Các gia đình nạn nhân trên chuyến bay định mệnh Boeing 777 mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia bày tỏ sự thất vọng sâu sắc, bởi đến nay họ vẫn chưa có câu trả lời chính thức về sự mất tích đầy bí ẩn của chiếc máy bay này.
Bà Bao Lanfang (phải) có con trai, con dâu và cháu gái mất tích trong chuyến bay MH370 tham gia biểu tình bên ngoài văn phòng Hãng hàng không Malaysia ở Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 6-8. Ảnh: AP |
Sự xác nhận của Thủ tướng Malaysia Najib Razak về việc một cánh máy bay được tìm thấy trên đảo Reunion của Pháp, thuộc Ấn Độ Dương, hồi tuần trước là của máy bay MH370 không thuyết phục được gia đình các nạn nhân.
Tuyên bố của chính phủ Malaysia đồng nghĩa với việc nước này kết luận: Máy bay MH370 đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, đã rơi xuống Ấn Độ Dương vào ngày 8-3 năm ngoái, làm toàn bộ 239 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Theo Reuters, việc đưa ra bằng chứng trực tiếp đầu tiên về việc máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương cũng khép lại một trong những vụ bí ẩn nhất của lịch sử ngành hàng không thế giới.
Phát biểu trong cuộc họp báo vào sáng sớm 6-8 tại thủ đô Kuala Lumpur, Thủ tướng Najib Razak nói: “515 ngày kể từ khi chiếc máy bay MH370 mất tích, tôi rất đau buồn khi phải thông báo rằng, nhóm chuyên gia quốc tế đã khẳng định chắc chắn mảnh vỡ được tìm thấy tại đảo Reunion chính xác là từ chiếc máy bay MH370. Chúng tôi đã có bằng chứng về việc chiếc máy bay mang số hiệu MH370 đã kết thúc hành trình tại Nam Ấn Độ Dương. Đây là một khu vực xa xôi và nguy hiểm”. Ông cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để tìm ra sự thật về điều gì đã xảy ra với MH370. Còn Hãng hàng không Malaysia gọi việc tìm thấy mảnh vỡ của MH370 là “bước đột phá quan trọng”.
Tuy nhiên, sau khi các nhà điều tra tiến hành những giám định đầu tiên tại Tổng Cục Vũ khí - Kỹ thuật hàng không thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, gần thành phố Toulouse, đối với mảnh vỡ vừa được thấy, cơ quan Công tố Pháp cho biết, mảnh vỡ có “khả năng rất cao” thuộc về máy bay MH370. Theo ông Serge Mackowiak, Phó công tố viên Paris, cần tiến hành những phân tích bổ sung để có thể xác định mảnh vỡ có phải là của MH370 hay không.
Chính sự không đồng nhất trong các tuyên bố của Malaysia và Pháp càng làm các gia đình nạn nhân hoang mang, thậm chí tức giận, bởi họ đã chờ đợi suốt 17 tháng qua để có câu trả lời về số phận chiếc máy bay MH370. Khoảng 2/3 số hành khách có mặt trên máy bay là người Trung Quốc và tại thủ đô Bắc Kinh ngày 6-8, Xu Jinghong (41 tuổi), người thân của một nạn nhân, nói rằng cô không hiểu vì sao các nhà chức trách Malaysia và Pháp lại không có những tuyên bố đồng nhất.
Một người khác tỏ ra không tin bất kỳ thông tin nào do chính phủ Malaysia cung cấp và nghi ngờ mảnh vỡ được tìm thấy là giả. Nhiều người đã tập trung bên ngoài văn phòng của Hãng hàng không Malaysia ở Bắc Kinh với biểu ngữ: “Malaysia che giấu sự thật”.
Có mặt trong đoàn người biểu tình, bà Dai Shuqin, chị của một trong số hành khách nói rằng, Pháp thận trọng khi đưa ra tuyên bố nhưng Malaysia lại đặt dấu chấm hết vụ việc và chạy trốn mọi trách nhiệm. Khoảng 10 người đã xông vào văn phòng của hãng để yêu cầu được biết sự thật.
Hãng Reuters cho biết, gia đình các nạn nhân ở Malaysia và Úc cũng có sự hoài nghi tương tự. Chính phủ Trung Quốc hiện kêu gọi Malaysia tiếp tục điều tra. Đối với thân nhân của các nạn nhân, bất kỳ sự xác nhận nào về cánh máy bay được tìm thấy là của MH370 cũng không thể khép lại vụ việc, bởi những bộ phận còn lại của máy bay và 239 thi thể vẫn mất tích.
Trong khi đó, Úc - nước dẫn đầu chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích - không có kết luận chắc chắn như Malaysia, chỉ nói rằng có khả năng cao mảnh vỡ là của MH370. AP dẫn lời các quan chức Úc chỉ trích công khai tuyên bố của Thủ tướng Malaysia và cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói điều gì đã xảy ra với MH370.
Nhiều câu hỏi được đặt ra vì sao ông Najib lại vội vàng tuyên bố về số phận của MH370 trước khi có sự thống nhất từ các nước tham gia điều tra. Giới chức Pháp từng khẳng định công tác điều tra phải được tiến hành thận trọng, có thể mất nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
THIÊN BÌNH