Lực lượng cảnh sát biển Thái Lan hôm 16-9 thừa nhận đã nổ súng vào 1 tàu cá Việt Nam tại vùng biển gần Malaysia tuần trước.
Các tàu cá bị tấn công. Ảnh: VnExpress |
Tư lệnh Cảnh sát biển Thái Lan, Thiếu tướng Grittapol Yeesakhorn, nói ông không biết thương vong như thế nào và khẳng định lực lượng này “tự vệ” khi thuyền của họ bị “các tàu cá thù địch của Việt Nam” vây quanh và cố đâm vào.
Phía Thái Lan nói 1 sĩ quan Thái Lan có mặt trên chiếc tàu cá Việt Nam bị mắc cạn do trục trặc động cơ. Tiếp đó, các tàu khác của Việt Nam đến hỗ trợ. Theo phía Thái Lan, vụ việc xảy ra hôm 11-9, gần Malaysia và cách tỉnh Narathiwat, cực Nam Thái Lan, 40 km.
“Chúng tôi không có ý định giết ai. Chúng tôi chỉ nổ súng cảnh cáo ở khoảng cách 100 m. Chúng tôi chỉ bắn vào mũi tàu” – ông Yeesakhorn nói với Reuters, kèm theo tuyên bố: “Tàu Việt Nam xâm phạm vùng biển Thái Lan trái phép. Cảnh sát phải bắt giữ họ”.
Còn đại úy Niwat Shanrai, phó chỉ huy Cảnh sát biển tỉnh Narathiwat, hôm 17-9 nói: "Điều tra ban đầu cho thấy các tàu Việt Nam xâm phạm lãnh thổ Thái Lan nên chúng tôi đến bắt họ. Họ hành xử một cách hung hăng khiến chúng tôi phải bắn cảnh cáo". Ông Niwat nói tàu Thái Lan nhỏ, chỉ chở 10 người trong khi các tàu cá Việt Nam có 6 chiếc với khoảng 20 ngườu/tàu.
Phát ngôn của phía Thái Lan và tường thuật của phía Việt Nam khác hẳn. Đại diện Cục Kiểm Ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 11-9, có 6 chiếc tàu (3 cặp) của ngư dân Kiên Giang hành nghề cào đôi đã bị xuồng composite không rõ số hiệu, trang bị súng máy 12,7 mm tấn công, khiến 1 người chết và 2 người bị thương.
6 tàu trên gồm: các tàu KG 94005TS và KG 9376TS của ông Bùi Văn Minh (SN 1971); tàu KG 94059TS và KG 94058TS của ông Dương Thế Truyền (SN 1962); tàu KG 94811TS và KG 94812TS của ông Trần Văn Sáng (SN 1963).
Theo thông tin ban đầu từ Cục Kiểm ngư, khi 6 tàu cá này đang ở khu vực tọa độ 07.01.00N-103.14.00E (vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia) thì xuất hiện 1 xuồng composite sơn màu xám, không rõ số hiệu, dài khoảng 10 m, rộng khoảng 3 m, trước mũi xuồng có trang bị súng 12,7 mm, trên xuồng có 5-6 người mặc quần xanh, áo đen, đội mũ sọc ngang, quấn khăn quanh cổ, nhảy lên tàu cá KG94005TS do ông Bùi Tuấn Minh làm thuyền trưởng và tịch thu bộ đàm.
Lúc này, 5 tàu cá còn lại đánh bắt cá gần đó nên có ý định đến giải thoát cho tàu KG94005TS. Nhóm người trên xuồng composite liền rượt đuổi các tàu còn lại và dùng súng 12,7 mm bắn vào tàu cá KG 94811TS do ông Nguyễn Hùng Cường làm thuyền trưởng. Ông Cường bị trúng đạn vào đùi phải, gãy 1/3 xương.
Sau khi bắn tàu KG 94811TS, những kẻ đi trên xuồng composite tiếp tục truy đuổi các tàu còn lại và dùng súng 12,7 mm bắn vào tàu cá KG 94059TS do ông Dương Thế Truyền làm thuyền trưởng, làm thuyền viên Ngô Văn Sinh (SN 1977, ngụ ở Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang) bị trúng đạn vào đầu, tử vong ngay tại chỗ.
Ngay sau khi thấy có người trên tàu cá của ngư dân Việt Nam bị chết, những người trên tàu composite vũ trang bỏ đi và không bắn thêm tàu cá Việt Nam nào nữa.
Tàu cá KG 94811TS đưa ông Nguyễn Hùng Cường vào nhà giàn DK1/10 cấp cứu rồi chạy tiếp về Kiên Giang. Còn tàu cá KG 94059TS chạy về cảng Tắc Cậu, Châu Thành, Kiên Giang đưa thi thể ông Ngô Văn Sinh cho gia đình mai táng vào lúc 20 giờ ngày 12-9.
Trang điện tử của báo Nhân Dân cho hay vụ việc xảy ra ở vùng biển chồng lấn giữa Malaysia, Việt Nam và Thái Lan. Dẫn lời lực lượng cảnh sát biển Việt Nam ở Kiên Giang, Nhân Dân đưa tin tàu cá Việt Nam bỏ chạy khi 1 tàu tuần tra Thái Lan tiến đến, cảnh cáo qua radio: "Tàu Việt Nam dừng lại, nếu không sẽ bị bắn đến chết". Theo Nhân Dân, cảnh sát Thái truy đuổi làm 3 đợt và bắn vào nhiều tàu khác nhau. Cảnh sát Thái còn lên một tàu, trói thủy thủ đoàn và lấy đi 1 khẩu súng cùng thiết bị. Hậu quả của các cuộc truy đuổi là 1 tài công bị bắn chết.Nhân Dân dẫn kết quả điều tra cho thấy cảnh sát biển Thái Lan "vi phạm luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế". |
Theo Hải Ngọc (NLĐ)