Các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào ngày 14-9 tới để bàn giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng nhập cư “có quy mô chưa từng thấy” và xác định phản ứng thống nhất. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, khủng hoảng nhập cư lần này là thách thức lớn hơn cả khủng hoảng tài chính của Hy Lạp.
Những người nhập cư ở Calais, miền bắc nước Pháp. Ảnh: AFP |
Luxembourg, Chủ tịch luân phiên EU, kêu gọi cuộc họp của 28 bộ trưởng nội vụ và tư pháp vào ngày 14-9, đồng thời cho rằng tình hình nhập cư ở biên giới châu Âu thời gian gần đây “có quy mô chưa từng thấy”. Bộ trưởng Nhập cư và Tị nạn Luxembourg Jean Asselborn cho biết, EU cần ngồi lại để thúc đẩy phản ứng thống nhất của châu Âu. Cũng theo Luxembourg, cuộc họp sẽ tập trung bàn về chính sách đưa người nhập cư trở lại, sự hợp tác quốc tế, điều tra và giải pháp để ngăn chặn nạn buôn người.
Hãng Reuters cho hay, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục các nước thành viên EU chấp nhận chia sẻ người tị nạn. Chính phủ của bà Merkel đang phải đối phó với lượng người nhập cư lên đến kỷ lục: 800.000 người trong năm nay. “Mọi việc phải được nhanh chóng giải quyết”, bà Merkel phát biểu với báo giới tại thủ đô Berlin. Nhà lãnh đạo này nói rằng, khủng hoảng nhập cư lần này là thách thức lớn hơn cả khủng hoảng tài chính của Hy Lạp.
Bà Merkel vốn không xa lạ gì với các cuộc khủng hoảng. 10 năm làm Thủ tướng, bà đã đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu... Và bây giờ, bà Merkel phải giải quyết cuộc khủng hoảng ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều cộng đồng trên khắp nước Đức. Reuters cho rằng, đây là thách thức lớn nhất đối với bà Merkel.
Cùng quan điểm với Thủ tướng Đức, Thủ tướng Ý Matteo Renzi khẳng định đã đến lúc châu Âu phải hành động và kêu gọi phân phối công bằng người nhập cư đến toàn bộ 28 quốc gia thành viên EU. Trong khi đó, một số chính phủ hiện vẫn từ chối tiếp nhận người tị nạn.
Ngày 30-8 vừa qua, 37 người đã chết khi con tàu chở họ ở ngoài khơi Libya bị lật úp, đánh dấu vụ tai nạn thứ hai trên biển trong một vài ngày gần đây. Lực lượng bảo vệ biển của Ý cũng nói rằng, khoảng 1.600 người nhập cư đã được cứu sống trên vùng biển Địa Trung Hải và được đưa đến Ý vào cuối tuần qua. Kể từ tháng 1-2015, ít nhất 2.500 người nhập cư đã chết, hầu hết bỏ mình ở Địa Trung Hải trong hành trình chạy trốn chiến tranh, nghèo khó ở Syria và các nước khác tại Trung Đông hay châu Phi.
Tệ hại hơn là vụ 71 người nhập cư chết ngạt trong một chiếc xe tải ở Áo, trong đó có 1 trẻ sơ sinh và 3 trẻ em khác. Thi thể các nạn nhân được tìm thấy vào tuần trước, đúng lúc Thủ tướng Angela Merkel đến Vienna (Áo) tham dự cuộc họp của các nước tây Balkan. Giáo hoàng Francis đã mô tả vụ việc đau lòng này là “tội ác chống lại loài người”.
Vấn đề đáng nói là châu Âu rạn nứt trong việc giải quyết khủng hoảng nhập cư khi Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cáo buộc các nước Đông Âu, đặc biệt là Hungary, tạo ra scandal khi từ chối tiếp nhận người nhập cư. Phát biểu với đài Europe 1, ông Fabius mô tả việc Hungary dựng hàng rào thép gai ở biên giới với Serbia để ngăn chặn dòng người nhập cư là hành động “không tôn trọng các giá trị chung của EU”. Năm nay, Hungary đã tiếp nhận 150.000 người nhập cư từ châu Phi và Trung Đông. Chỉ trong tháng 8-2015, khoảng 50.000 người đã ùn ùn đổ vào Hungary.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May đổ lỗi cho hệ thống không biên giới của châu Âu, còn được gọi là Schengen (tức các nước trong vùng miễn thị thực Schengen). Theo quan chức này, chính hệ thống không biên giới đã khơi mào cho khủng hoảng, đồng thời yêu cầu thắt chặt các quy định của EU. Một số chính phủ châu Âu đang xem xét điều chỉnh hệ thống Schengen nhưng Ủy ban châu Âu lại cho rằng không cần thiết thay đổi quy định mà chỉ cần thúc đẩy an ninh và kiểm soát nhập cư.
PHÚC NGUYÊN