.

Châu Âu vẫn bất đồng về "hạn ngạch bắt buộc"

.

Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech vẫn phản đối “hạn ngạch bắt buộc” phân bổ các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) tiếp nhận 120.000 người tị nạn. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon kêu gọi các nước thể hiện “vai trò lãnh đạo và lòng trắc ẩn”.

Một gia đình tị nạn đến biên giới Croatia và Hungary ngày 21-9.  						         Ảnh: AFP
Một gia đình tị nạn đến biên giới Croatia và Hungary ngày 21-9. Ảnh: AFP

Ngày 22-9, các bộ trưởng nội vụ của EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để giải quyết những bất đồng xung quanh “hạn ngạch bắt buộc” đối với 28 nước thành viên trong việc tiếp nhận 120.000 người tị nạn - kế hoạch tái định cư cho những người di cư đang tạm trú tại Hy Lạp, Hungary và Ý.

Một ngày sau đó, hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp sẽ diễn ra và các nhà lãnh đạo muốn tập trung thúc đẩy viện trợ cho những người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước Trung Đông khác; đồng thời thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn vì nghèo đói và chiến tranh.

Trong năm nay, gần 500.000 người đã băng qua Địa Trung Hải để đến châu Âu, hầu hết là người Syria, từ đó dẫn đến các nước như Hy Lạp và Hungary phải đối phó với tình trạng người tị nạn quá tải. Cũng trong năm nay, khoảng 2.800 người đã thiệt mạng trên những con thuyền mỏng manh.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao nói rằng, mặc dù trong những tuần qua, một số nước EU ủng hộ việc chia sẻ gánh nặng bằng việc tiếp nhận 120.000 người tị nạn, nhưng vẫn chưa rõ các bộ trưởng nội vụ có đạt được thỏa thuận hay không.

Một số nước hiện vẫn bác bỏ lời kêu gọi tán thành “hạn ngạch bắt buộc” dựa vào dân số và tiềm lực kinh tế, mặc dù Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: Không một quốc gia EU nào được miễn trừ việc tiếp nhận những người di cư có quyền được tị nạn, bởi “nếu không thì châu Âu sẽ không còn là một khối được xây dựng trên các giá trị và nguyên tắc chung”.

Nhiều quan chức cấp cao đã bày tỏ sự tức giận với Đức, điểm đến chính của những người tị nạn, khi Berlin muốn các chính phủ thực hiện “hạn ngạch bắt buộc”, nhưng rồi chính nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng phải áp dụng biện pháp tạm thời: kiểm soát biên giới. Tuần trước, một cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ EU đã thất bại thì những nước không ủng hộ hạn ngạch, đáng chú ý là Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Czech, giờ đây vẫn có thể bỏ phiếu chống.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nói rằng, họ nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận để tránh bất đồng về một bài toán khó đối với châu Âu, vốn có thể hủy hoại mối quan hệ của khối. “Đây là sự tồi tệ nhất mà tôi từng thấy trong hơn 20 năm đối phó với các vấn đề của châu Âu”, một quan chức cấp cao nói.

Trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi lãnh đạo 28 nước thành viên EU thể hiện “vai trò lãnh đạo và lòng trắc ẩn” đối với những người nhập cư, trong đó có nhiều số phận như anh Abdullah (người Syria, 35 tuổi), đã mất vợ và 2 con trai trong hành trình vượt đại dương để tìm đến “một nơi tốt đẹp hơn”.

Ông Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại về tình hình đang ngày càng xấu đi, với việc nhiều nước dựng hàng rào, đóng cửa biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn. Trong  khi đó, AFP cho biết, cơ quan tị nạn của LHQ (UNHCR) cảnh báo, các cuộc đối thoại lần này có thể là cơ hội cuối cùng để đi đến một phản ứng thống nhất khi khủng hoảng đang càng lúc càng trở nên “hỗn loạn và không thể dự đoán”, đồng thời làm gia tăng căng thẳng giữa các nước châu Âu.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.