.

Đức, Pháp muốn hòa bình ở Syria

.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đều kêu gọi một hội nghị hòa bình mới về Syria nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài 4 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.

Một người dân Syria giữa đống đổ nát sau một vụ đánh bom ở thành phố Aleppo ngày 17-9 vừa qua.       Ảnh: AFP
Một người dân Syria giữa đống đổ nát sau một vụ đánh bom ở thành phố Aleppo ngày 17-9 vừa qua. Ảnh: AFP

Ngày 24-9, tại một cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels (Bỉ) kết thúc, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nên tham gia các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria. Theo bà Merkel, không chỉ Mỹ, Nga mà các đối tác quan trọng tại Trung Đông như Iran và Saudi Arabia đều có thể tham gia cuộc đàm phán hòa bình này. Phát biểu của nhà lãnh đạo nền chính trị và kinh tế lớn nhất châu Âu được đưa ra trong lúc các cường quốc vẫn muốn ông Assad từ nhiệm.

Hãng AFP cho biết, Tổng thống Pháp Francois Hollande muốn thúc đẩy các giải pháp để kết thúc cuộc khủng hoảng ở Syria nhưng khẳng định tương lai của Damascus “không có chỗ dành cho ông Assad”. Việc Tổng thống Assad tiếp tục tại nhiệm hay từ chức là vấn đề gây tranh cãi khi quốc tế và các nước ở khu vực Trung Đông có những nỗ lực về ngoại giao để tìm ra giải pháp hòa bình cho Syria. Song, đến nay, công tác ngoại giao vẫn thất bại và cuộc khủng hoảng ở Syria bước vào năm thứ 5.

Trong khi đó, Nga và Iran kiên quyết bác bỏ việc kêu gọi ông Assad rời nhiệm sở. Nga đang tìm kiếm một thỏa thuận quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố và giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Khi Tổng thống Assad đối mặt với áp lực đang gia tăng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lực lượng chiến binh thân phương Tây trong cuộc nội chiến ở nước ông, Nga vẫn giữ lập trường ủng hộ đồng minh Damascus.

Theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn Mỹ và các đồng minh nhất trí phối hợp với Mátxcơva, Iran và quân đội Syria trong chiến dịch chống IS. Bloomberg còn cho hay, ông Putin đang chuẩn bị các cuộc không kích đơn phương nhằm vào IS tại Syria nếu Washington bác bỏ đề xuất phối hợp với Mátxcơva.

Tuy nhiên, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, chỉ trích báo chí nước ngoài đã thổi phồng về sự hiện diện của Nga ở Syria, đồng thời cho rằng thông tin về việc Mátxcơva có thể chuẩn bị không kích đơn phương nhằm vào IS tại Syria chỉ là đồn đoán. Ông Peskov khẳng định không biết gì về kế hoạch của Tổng thống Putin trong việc đề nghị Quốc hội “bật đèn xanh” để đưa quân đội quốc gia này đến Syria.

Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo sẽ tiến hành các cuộc tập trận vào cuối tháng 9 này và tháng 10 tại khu vực phía đông Địa Trung Hải, nơi gần bờ biển của Syria. Pháp và Anh quan ngại về cuộc tập trận bởi cho rằng, Nga đang muốn tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, mối quan tâm chính của Nga là bảo vệ Tổng thống Assad. Song, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ cuối năm ngoái và không liên quan đến cuộc xung đột ở Syria.

Về phía Syria, một quan chức quân đội cao cấp đã xác nhận với Reuters rằng, chính phủ Damascus đã nhận từ Nga vũ khí phòng vệ và vũ khí tấn công, trong đó có các vũ khí có độ chính xác cao và tên lửa điều khiển từ xa. Theo đó, quân đội Syria đã bắt đầu sử dụng các loại vũ khí này để chống IS tại Deir Ezzor và Raqa.

Mỹ đặc biệt quan tâm động thái của Nga đối với vấn đề Syria. Một báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ được gửi đến các nghị sĩ cường quốc này cho rằng, Mátxcơva bảo vệ chính phủ Damascus nhằm duy trì khả năng tiếp cận của hải quân Nga và thách thức chính sách của Washington ở Syria.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.