.

Đức - "thiên đường" của người tị nạn

.

Đức đang đối mặt với làn sóng nhập cư và tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Với việc hàng ngàn người nhập cư được chào đón tại Đức và Berlin cam kết bổ sung 6 tỷ euro (6,7 tỷ USD) để hỗ trợ dòng người tị nạn đang ùn ùn kéo đến biên giới, quốc gia này chính là “thiên đường” cho những người đang chạy trốn chiến tranh và sự nghèo khó.

Những người nhập cư đến nhà ga tàu ở Munich, miền nam nước Đức.              Ảnh: AFP
Những người nhập cư đến nhà ga tàu ở Munich, miền nam nước Đức. Ảnh: AFP

Ngày 7-9, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, số người tị nạn lên đến kỷ lục đổ vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ làm thay đổi nước này trong những năm tới. Đức chuẩn bị tiếp nhận đông đảo người nhập cư nhưng bà Merkel kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác  trong Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu với báo giới ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel khẳng định Đức sẽ bảo đảm cho những ai cần được tị nạn nhưng những người không có cơ hội tị nạn thì sẽ nhanh chóng trở về quê nhà. Bà cũng bày tỏ vui mừng khi các nước chịu chia sẻ bài toán người nhập cư, đồng thời cho rằng sự đoàn kết này xuất phát từ việc hàng trăm người Đức đã chào đón các gia đình chạy khỏi chiến tranh ở Syria đến lánh nạn trong những ngày qua bằng quà và bóng bay. Chỉ trong chiều 7-9, 2.500 người đã đến Đức, sau khi nước này đón 20.000 người vào cuối tuần qua.

Với áp lực từ Đức và Pháp, EU đang thay đổi “hạn ngạch bắt buộc” trong việc tiếp nhận người nhập cư. Theo kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Đức và Pháp - 2 nền kinh tế hàng đầu của liên minh - sẽ nhận gần ½ trong số 120.000 người tị nạn. “Hạn ngạch bắt buộc” mới của EU sẽ được tiết lộ vào ngày 9-9. Cụ thể, Đức sẽ tiếp nhận 31.443 người, Pháp nhận 24.031 người và Tây Ban Nha nhận 14.931 người, để giảm gánh nặng cho Hy Lạp, Ý và Hungary.

Đức quyết tâm theo đuổi việc áp tỷ lệ phân bổ người nhập cư công bằng hơn giữa các nước. Tuy nhiên, ở trong nước, Thủ tướng Merkel bị chỉ trích rằng “đang tạo ra tiền lệ nguy hiểm bằng việc mở cửa các biên giới của Đức”.

Theo đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền, bà Merkel đã có quyết định không đúng khi tiếp nhận người tị nạn từ Hungary. “Đức là điểm đến với con số người tị nạn chưa từng thấy”, liên minh cầm quyền bao gồm gồm liên đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) xác nhận.

Chính phủ Đức cũng sẽ bổ sung 6 tỷ euro (6,7 tỷ USD) để hỗ trợ những người tị nạn trong năm tới, trong khi theo ước tính trước đó, việc tiếp nhận người tị nạn sẽ làm Berlin tiêu tốn khoảng 10 tỷ euro (11 tỷ USD) trong năm nay, gấp 4 lần khoản tiền mà nước này đã bỏ ra để thu xếp 203.000 người nhập cư trong năm ngoái.

Gói viện trợ của chính phủ Đức sẽ bao gồm: nhà ở, tăng cường cảnh sát liên bang và tổ chức các lớp học ngôn ngữ. Theo các nhà quan sát, chính sách cởi mở của Đức làm những người tị nạn có niềm tin đặc biệt đối với Thủ tướng Merkel, thậm chí xem bà là “lãnh tụ tinh thần của châu Âu”.

Nhiều nước, trong đó có Hungary, phản đối “hạn ngạch bắt buộc”. Thủ tướng Hungary Viktor Orban chế giễu những nỗ lực của EU trong việc “phân phối” người tị nạn thông qua hệ thống hạn ngạch, đồng thời ví Hungary như “con cừu đen” của liên minh chống lại chính sách này.

Tuy nhiên, ông Orban cam kết Hungary sẽ không bắn vào những người nhập cư đang cố tràn qua hàng rào biên giới mới ở phía nam và sẽ đối thoại về hạn ngạch nói trên. Nhà lãnh đạo Hungary tái khẳng định quan điểm của ông rằng, nhiều người nhập cư đến từ những khu vực khủng hoảng ở Trung Đông, châu Phi và châu Á đang muốn thoát khỏi cái nghèo, chứ không phải là những người tị nạn thật sự.  

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.