Mỹ và Nga thống nhất tìm kiếm giải pháp ngoại giao để kết thúc cuộc nội chiến ở Syria nhưng hai cường quốc này vẫn không tìm được tiếng nói chung về vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad trong tương lai.
Cái bắt tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được cho là “không thực chất”. Ảnh: AFP |
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã diễn ra vào tối 28-9 tại New York, Mỹ (sáng 29-9, giờ Việt Nam), bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Theo Reuters, trong 90 phút, hai nhà lãnh đạo đã thống nhất rằng, lực lượng hai nước nên đối thoại để tránh xung đột tại Syria sau khi Nga tăng cường hiện diện quân sự tại quốc gia Trung Đông này.
Mỹ, Pháp và các nước đồng minh đang tiến hành không kích các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Song, sự có mặt của Nga, với việc triển khai các xe tăng và máy bay chiến đấu ở Syria, khiến Mỹ lo ngại sẽ vô tình xảy ra đụng độ. Không những thế, Washington và các đồng minh còn hoài nghi về mục tiêu chính của Nga tại Syria.
Tổng thống Obama khẳng định sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm ở Syria, làm ít nhất 250.000 người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. “Mỹ sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nước nào, trong đó có Nga và Iran, để giải quyết cuộc xung đột”, ông Obama nói. Tuy nhiên, ông cảnh báo, điều này không có nghĩa là sẽ cho Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền ở Damascus. Trong khi đó, Tổng thống Putin cho rằng, không điều gì có thể thay thế được việc hợp tác với quân đội của ông Assad trong việc chống lại các chiến binh IS.
Các quan chức hai bên mô tả cuộc đối thoại giữa ông Obama và ông Putin diễn ra “thẳng thắn và đầy tính xây dựng”. Ông Putin cũng khẳng định hai bên “có nhiều điểm chung và đồng ý giải quyết những khác biệt”. Theo AP, vấn đề lớn nhất chia rẽ Mỹ và Nga là vị trí của Tổng thống Assad. Washington vẫn khăng khăng tương lai của Syria không thể có mặt ông Assad.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng bác bỏ việc ông Assad tiếp tục tại vị. Tuy nhiên, Tổng thống Putin ủng hộ gia tăng vị thế của người đồng minh. “Chúng tôi nghĩ rằng, sẽ là một sai lầm to lớn nếu từ chối hợp tác với chính phủ Syria và lực lượng của nước này, những người đang trực tiếp chiến đấu chống khủng bố”, ông Putin nói.
Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh: “Chúng ta phải giải quyết những vấn đề mà tất cả chúng ta đang đối mặt và tạo ra một liên minh chống khủng bố mở rộng hơn”. Theo đó, ông đề xuất Hội đồng Bảo an LHQ thành lập một liên minh có sự tham gia của ông Assad và Iran. Hơn nữa, trong bài phát biểu trước đó tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Putin thậm chí chỉ trích Mỹ đã châm ngòi chiến tranh ở Libya, Syria và Ukraine.
Mỹ cho rằng, việc Nga gia tăng lực lượng ở Syria chủ yếu do lo ngại vị thế của Tổng thống Assad bị suy yếu, đồng thời muốn duy trì ảnh hưởng của Mátxcơva ở khu vực. Đề xuất của Tổng thống Putin về việc thành lập một liên minh quốc tế mở rộng hơn để chống IS cũng bị cho là nhằm loại bỏ liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đang thực hiện các cuộc không kích ở Syria và Iraq. Một quan chức Mỹ xác nhận: Giữa Washington và Mátxcơva có sự khác biệt về tiến trình sắp tới ở Syria. Các nhà quan sát cũng không lạc quan về sự hợp tác thiện chí giữa Nga và Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Thực tế, chiến dịch không kích IS do Mỹ dẫn đầu không đạt hiệu quả như mong muốn. Chương trình của Washington trong việc đào tạo quân nổi dậy Syria, trị giá 500 triệu USD, đang thất bại thảm hại. Tuy nhiên, trong lúc quan hệ giữa Mỹ và Nga đang trong tình trạng xấu đi nghiêm trọng kể từ khi bán đảo Crimea được sáp nhận vào Nga, với sự khác biệt sâu sắc như thế thì sẽ không có sự hợp tác thực chất nào giữa hai cường quốc đối với vấn đề Syria.
PHÚC NGUYÊN