Lần đầu tiên trong gần một năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp “mặt đối mặt” trong lúc giữa hai nước đang bất đồng sâu sắc về các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine.
Một vụ nổ xảy ra ở ngôi đền Baalshamin 2.000 năm tuổi tại thành phố cổ Palmyra của Syria ngày 25-8. Nội chiến đã kéo dài suốt 4 năm qua ở Syria. Ảnh: AP |
Hãng AP cho biết, cuộc gặp diễn ra vào tối 28-9 (giờ New York), bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc (LHQ). Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đối mặt với căng thẳng đang gia tăng trong quan hệ giữa hai nước xung quanh các cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine.
Cũng theo AP, với những bất đồng sâu sắc, cả Mỹ lẫn Nga có thể không thống nhất về mục đích của cuộc gặp gỡ. Nhà Trắng nói rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung bàn thảo vấn đề Ukraine. Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ được thảo luận nếu thời gian cho phép, còn nội dung chính là Syria và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Dù ít dấu hiệu cho thấy có sự đột phá nhưng dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm cuộc gặp này, một sự kiện hiếm hoi kể từ khi Tổng thống Obama cam kết cô lập Tổng thống Putin nhằm đáp trả sự can dự của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, đến nay, Mátxcơva vẫn bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào của nước này trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trước thềm cuộc gặp, Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin sẽ phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới. Theo đó, ông Obama nhấn mạnh về sự cần thiết cho một giải pháp chính trị đối với cuộc nội chiến ở Syria, bao gồm việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh của Nga.
Trong lúc đó, Tổng thống Putin cho rằng, quân đội của ông Assad là lực lượng có thể chống lại IS và cần được gia tăng sức mạnh. Trước khi đến trụ sở LHQ, ông Putin đã cho triển khai thêm vũ khí và quân đội đến Syria. Trong những tháng gần đây, Điện Kremlin cũng tăng cường những nỗ lực ngoại giao, cả việc đối thoại với phe đối lập ở Syria, nhằm hướng đến đàm phán về một thỏa thuận chính trị.
Ngay trong thời điểm này, Iraq tuyên bố sẽ bắt đầu chia sẻ thông tin an ninh và tình báo với Syria, Nga và Iran nhằm hỗ trợ chống IS. Các nhà quan sát cho rằng, quyết định của Baghdad có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan mà không có sự tham gia của Syria cùng các đồng minh của Damascus.
Hãng AP nhận định: Washington và Mátxcơva sẽ khó đạt được bất kỳ tiếng nói chung nào về vấn đề Syria trong các cuộc đàm phán quân sự. Ông Putin rõ ràng không có ý định tham gia liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu ở Syria. Còn Washington quan ngại Nga sẽ dùng sự hiện diện của quân đội Mátxcơva tại Syria để chống đỡ cho ông Assad. Song, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết, Nga và Mỹ sẽ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình về Syria cùng với Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga căng thẳng xung quanh việc bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga từ năm ngoái và Washington cáo buộc Mátxcơva ủng hộ lực lượng ly khai ở đông Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng, ông muốn cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin sẽ dẫn đến việc thực thi tốt hơn thỏa thuận Minsk - thỏa thuận ngừng chiến tranh ở khu vực phía đông nước ông.
Đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ và châu Âu, Nga vẫn bác bỏ việc quân đội nước này liên quan đến tình hình ở đông Ukraine; đồng thời cho rằng, các biện pháp trừng phạt nhằm làm suy yếu nước Nga và chống lại ông Putin.
PHÚC NGUYÊN