.

Ông Alexis Tsipras trở lại

.

Chiến thắng của đảng Syriza cánh tả trong cuộc bầu cử vào ngày 20-9 vượt quá mong đợi của đảng này. Đó là thành công của cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong một canh bạc đầy rủi ro.

Ông Alexis Tsipras (trái) trong niềm vui chiến thắng. Ông sẽ liên minh với đảng Người Hy Lạp độc lập của ông Panos Kammenos (phải) để thành lập chính phủ.         Ảnh: AP
Ông Alexis Tsipras (trái) trong niềm vui chiến thắng. Ông sẽ liên minh với đảng Người Hy Lạp độc lập của ông Panos Kammenos (phải) để thành lập chính phủ. Ảnh: AP

Ngày 21-9, ông Alexis Tsipras cam kết tiếp tục đấu tranh cho lòng tự hào của đất nước và sẽ nhanh chóng thành lập chính phủ liên minh, phục hồi nền kinh tế đang suy sụp của Hy Lạp. Vị chính trị gia 41 tuổi cam kết sẽ điều hành đất nước trọn vẹn nhiệm kỳ 4 năm, điều mà các chính phủ Hy Lạp không dễ vượt qua kể từ khi Athens phải dựa vào các gói cứu trợ quốc tế trong 5 năm qua. Kể từ năm 2009 đến nay, Hy Lạp có 6 chính phủ và trải qua 4 cuộc bầu cử Quốc hội.

Đối với ông Tsipras, dù bị chỉ trích vì chấp thuận các điều kiện nghiêm ngặt của các chủ nợ, bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), để có được gói cứu trợ thứ ba nhưng rốt cuộc thi ông vẫn trở lại cương vị Thủ tướng. Hãng AP cho biết, với hơn 99,7% số phiếu được kiểm, đảng Syriza cầm quyền giành 35,5% số phiếu ủng hộ và 145/300 ghế tại Quốc hội; tiếp đó là đảng bảo thủ Dân chủ mới (ND) với 28,1% số phiếu và 75 ghế. Đảng Bình minh Vàng xếp thứ ba với 7% số phiếu và 18 ghế.

Đây là lần thứ ba trong năm nay người dân Hy Lạp đi bỏ phiếu. Lần thứ nhất là cuộc bầu cử vào tháng 1 đưa ông Tsipras lên nắm quyền với cam kết chống lại gói cứu trợ “thắt lưng buộc bụng”; lần thứ hai là cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 7 với việc cử tri nói “không” với các đề xuất cải cách của chủ nợ; và lần thứ ba là cuộc bầu cử sớm sau khi ông Tsipras từ chức Thủ tướng.

Với 6 ghế còn thiếu để chiếm đa số tại Quốc hội, ông Tsipras nói rằng, ông sẽ thành lập chính phủ liên minh với đảng Người Hy Lạp độc lập cánh hữu của ông Panos Kammenos. Đảng này về thứ 7 với 3,6% số phiếu và 10 ghế trong Quốc hội. Đảng ND do ông Vangelis Meimarakis lãnh đạo đã thừa nhận thất bại và kêu gọi nhanh chóng thành lập chính phủ.

Theo Reuters, trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Tsipras không đề cập gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (97 tỷ USD) nhưng trong chiến dịch tranh cử, đảng Syriza đã cam kết sẽ thực thi gói cứu trợ này. “Chúng ta có những khó khăn phía trước nhưng chúng ta cũng có một nền tảng vững chắc, chúng ta biết chúng ta có thể bước đi, chúng ta có triển vọng. Sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng không thể nhờ vào những điều kỳ diệu nhưng có thể đạt được thông qua công việc khó khăn”, ông Tsipras nói.

Chủ tịch EU Donald Tusk hy vọng rằng, kết quả bầu cử sẽ mang lại sự ổn định chính trị cần thiết để đương đầu với tất cả thách thức. Song, vấn đề đặt ra là ông Tsipras sẽ phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Sau khi thành lập chính phủ, nhiệm vụ đầu tiên của ông là thuyết phục các chủ nợ của châu Âu giãn nợ và giảm các khoản nợ. Reuters dẫn một nguồn tin từ đảng Syriza cho biết, việc đàm phán nợ sẽ chiếm lĩnh trong các chương trình làm việc của Thủ tướng mới.

Tuy nhiên, đàm phán sẽ rất khó khăn, nhất là khi gánh nặng nợ công của Hy Lạp quá lớn và nền kinh tế của nước này được dự báo sẽ sụt giảm 2,3% trong năm nay, giảm 1,3% nữa vào năm 2016; tỷ lệ thất nghiệp hiện tại là 25,2%, cao nhất trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Một số cử tri nói rằng, họ ủng hộ đảng Syriza bởi nhà lãnh đạo Tsipras cần có thời gian để hoàn thành công việc mà ông vừa bắt đầu. Họ muốn cho ông Tsipras một cơ hội nữa. Hơn nữa, cử tri cũng tin rằng, ông Tsipras đang cứu Hy Lạp. Song, quá trình thực hiện cải cách, trong đó có việc tăng thuế, cải cách chế độ hưu trí, để vừa đáp ứng yêu cầu của các chủ nợ, vừa cứu vãn nền kinh tế có thể làm dấy lên phản ứng tức giận của dân chúng. Chuyên gia kinh tế Giada Giani của Citigroup thậm chí cho rằng, nguy cơ với Hy Lạp là nước này vẫn có thể rời khối eurozone.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.