Quốc tế
Cơ hội thứ hai cho ông Alexis Tsipras
Cuộc bầu cử vào ngày 20-9 được xem là cơ hội thứ hai để cựu Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khôi phục quyền lực và thực hiện cải cách sau khi ông từ chức hồi tháng 8 vừa qua. Lúc đó, từ chức là cách duy nhất để ông thoát khỏi sự chỉ trích của các nghị sĩ thuộc đảng Syriza cầm quyền và nay bầu cử sớm cũng là cách duy nhất để ông trở lại.
Cựu Thủ tướng Alexis Tsipras muốn trở lại nắm quyền. Ảnh: AFP |
Hơn 9,8 triệu cử tri Hy Lạp đã đăng ký đi bỏ phiếu nhằm bầu chọn một chính phủ có thể thực thi gói cứu trợ trong 3 năm. 9 đảng cùng chạy đua giành ghế trong Quốc hội nhưng bầu cử lần này được xem là cuộc đọ sức chật vật giữa đảng cánh tả Syriza với đảng bảo thủ Dân chủ mới đối lập (ND) của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Vangelis Meimarakis.
Thăm dò cho thấy, đảng Syriza giành ưu thế so với ND nhưng khoảng cách này không lớn. Hơn nữa, trước 2 ngày diễn ra bầu cử, nhiều người cũng chưa quyết định sẽ chọn đảng nào. Vì vậy, không có điều gì chắc chắn đảng nào sẽ chiến thắng và cả đảng Syriza lẫn ND đều khó giành được 151 ghế trong Quốc hội gồm 300 ghế để tự đứng ra thành lập chính phủ.
Trong cuộc bầu cử ngày 25-1 vừa qua, đảng Syriza dẫn đầu với 36,3% số phiếu ủng hộ, trong khi ND giành được 27,8%. Ông Alexis Tsipras đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Hy Lạp trong lịch sử 150 năm qua và cũng là người chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” trên khắp Liên minh châu Âu (EU). Ông từng cho rằng, kết quả bỏ phiếu lúc đó là thông điệp then chốt cho châu Âu.
Tuy nhiên, trong hơn 7 tháng nắm quyền, vị Thủ tướng 41 tuổi không thể kiên định quan điểm của mình, ngoài việc chấp thuận những điều khoản nặng nề của các chủ nợ. Hành động này bị cho là sự đầu hàng bởi đã đi ngược lại với kết quả trưng cầu dân ý vào ngày 5-7.
Ông Tsipras muốn cuộc bầu cử diễn ra càng sớm càng tốt, theo đó có thể tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri trước khi tiến hành giai đoạn cải cách tiếp theo để nhận gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (97 tỷ USD). Nếu không có gói cứu trợ thứ ba, Hy Lạp sẽ phá sản và phải rời khỏi khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Trong khi đó, Chủ tịch đảng đối lập chính ND Vangelis Meimarakis tập trung việc đưa đất nước trở lại ổn định. Ông mô tả cựu Thủ tướng Tsipras là chính trị gia thiếu thận trọng, thiếu kinh nghiệm nên đã đưa đất nước đến bên bờ thảm họa. “Hôm nay, các chính trị gia không nói gì mà hãy để cử tri nói. Họ nói với lá phiếu của mình”, ông Meimarakis phát biểu sau khi bỏ phiếu tại ngoại ô phía bắc Athens.
Nhiều cử tri đã đi bỏ phiếu trong tâm trạng nặng nề bởi cho rằng, dù đảng nào giành chiến thắng cũng phải thực hiện yêu cầu của các chủ nợ, trong đó có việc tăng thuế, cải cách lương hưu… Nhà chính trị - xã hội học Manolis Alexakis tại Đại học Crete của Hy Lạp cho rằng, người dân nước này cảm thấy mệt mỏi sau những cuộc bầu cử thành công nhưng không chấm dứt được chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Dù đảng nào giành chiến thắng thì việc liên minh chính phủ là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, chính phủ mới cũng sẽ đối phó với dòng người tị nạn kéo vào Hy Lạp. Ở biên giới phía đông của EU, Hy Lạp là cửa ngõ chính cho hàng trăm ngàn người di cư tiến vào châu Âu. Riêng trong sáng 20-9, 26 người đã mất tích khi một chiếc xuồng chở những người tị nạn bị lật úp trên đảo Lesbos. Ngày 19-9, có 13 người khác mất tích trong một tai nạn tương tự. Đảng ND cho rằng, việc thiếu chính sách rõ ràng từ đảng Syriza là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này của Hy Lạp.
VĨNH AN