Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, Liên minh châu Âu (EU) không thể sắp xếp trật tự hoặc ngăn chặn làn sóng tị nạn mà không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người tị nạn đến đảo Lesbos của Hy Lạp vào ngày 14-10 sau khi từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển Aegea. Ảnh: AFP |
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nội dung chính được các nhà lãnh đạo EU bàn thảo khi nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 15-10 để tìm các giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng tị nạn ở khu vực. Châu Âu muốn Thổ Nhĩ Kỳ tham gia kế hoạch hành động chung của lục địa già. Theo đó, Ankara sẽ chăm sóc những người tị nạn, cung cấp viện trợ nhân đạo, hỗ trợ bảo đảm an ninh biên giới và đấu tranh chống các đường dây buôn người.
Ngay trước thềm cuộc họp, tại Quốc hội Đức, Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh EU cần có sự nỗ lực chung để đối phó với khủng hoảng, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò then chốt để ngăn chặn dòng người tìm kiếm tị nạn đến từ Trung Đông và Bắc Phi. Hơn 4 năm qua, khoảng 2,2 triệu người tị nạn có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết đến từ nước láng giềng Syria.
“Hầu hết những người tị nạn chiến tranh đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta sẽ không thể sắp xếp trật tự và ngăn chặn làn sóng tị nạn mà không có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ”, bà Merkel nói. “Châu Âu cần thể hiện sự đoàn kết, bất kỳ điều gì khác sẽ là một thất bại”, nhà lãnh đạo Đức cảnh báo và cho rằng, cuộc xung đột ở Syria chính là nguyên nhân lớn nhất khiến dòng người tị nạn ùn ùn kéo đến châu Âu.
Theo AFP, các nhà lãnh đạo EU nhận định: Những nỗ lực để kiểm soát cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai sẽ không thành công nếu không có sự hợp tác từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Song, phía Thổ Nhĩ Kỳ muốn có sự trao đổi: thêm viện trợ tài chính cho những người tị nạn, tự do hóa thị thực nhập cảnh cho công dân của mình đến các nước châu Âu trong khu vực Schengen và thúc đẩy tiến trình Ankara gia nhập EU.
Phó Chủ tịch EU Frans Timmermans và các quan chức cấp cao khác đã đến Ankara vào ngày 14-10 để thúc đẩy kế hoạch hợp tác. Các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng rằng, khi hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với dòng người tị nạn, thắt chặt kiểm soát biên giới thì họ có thể ngăn chặn việc nhiều người bỏ mạng trên biển trong hành trình tìm đến “miền đất hứa” châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn EU ủng hộ việc thiết lập một khu vực an toàn và vùng cấm bay ở phía bắc Syria. Song, EU hoài nghi về mục đích của Ankara. Nga, nước đang tiến hành các cuộc không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, đương nhiên phản đối động thái của Thổ Nhĩ Kỳ. “EU cần Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ cần EU”, Phó Chủ tịch EU Timmermans nói.
Còn theo Chủ tịch EU Donald Tusk, sẽ có sự nhượng bộ nếu Ankara hỗ trợ giảm dòng người tị nạn vào châu Âu, vốn đang ở mức kỷ lục và làn sóng này sẽ tăng cao hơn nữa vào mùa xuân 2016. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ đến Ankara vào ngày 18-10 để gặp gỡ Tổng thống Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu.
Khi các nhà lãnh đạo nhóm họp tại Brussels, lực lượng bảo vệ biển Hy Lạp cho biết, trong 24 giờ từ ngày 14-10 đến 15-10, họ đã cứu hơn 800 người ở biển Aegea khi đang vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong lúc đó, Croatia nói rằng, hơn 4.800 người nhập cư đã đến nước này vào ngày 14-10, nâng tổng số người nhập cư đến nơi đây lên gần 175.000 người.
BÌNH YÊN