.

Giải Nobel Hòa bình 2015: Thủ tướng Đức là ứng viên hàng đầu

.

Ngày 9-10, giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố. Theo đồn đoán, Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể được xướng tên vì những chính sách cho người tị nạn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel được ca ngợi vì những nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng tị nạn ở châu Âu.  							           Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel được ca ngợi vì những nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng tị nạn ở châu Âu. Ảnh: AFP

Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO) Kristian Berg Harpviken cho rằng, Thủ tướng Đức Angela Merkel là sự lựa chọn hàng đầu cho giải Nobel Hòa bình 2015 vì bà đã dũng cảm mở cửa cho người tị nạn. Phát biểu với báo giới tại Oslo, ông Harpviken nói: “Bà Angela Merkel sẽ nhận giải Nobel Hòa bình”. Ông Harpviken, nhà phân tích hàng đầu về giải Nobel Hòa bình còn nhận định: “Bà ấy (Thủ tướng Merkel) là người thể hiện sự lãnh đạo mang tính đạo đức cao và làm xoay chiều cuộc bàn thảo về khủng hoảng tị nạn”.

Một số nhà quan sát Nobel thống nhất rằng, giải thưởng có thể thuộc về những ai nỗ lực tháo gỡ cuộc khủng hoảng nhập cư, với hơn 630.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở Trung Đông và châu Phi để tìm đến châu Âu. Trước dòng người ùn ùn kéo đến châu Âu, trong khi các nước khác thuộc Liên minh châu Âu không muốn tiếp nhận người nhập cư và xem đây là gánh nặng, bà Merkel tuyên bố nới lỏng quy chế tị nạn cho người Syria. Nhà lãnh đạo này được những người tị nạn xem là “người hùng”, còn nước Đức được xem là “thiên đường” đối với những người muốn thoát khỏi chiến tranh và nghèo đói để đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Báo Bild vốn có ảnh hưởng ở Đức dự đoán Thủ tướng Merkel có “cơ hội tốt” để giành giải Nobel Hòa bình vì “hành động của bà trong cuộc khủng hoảng Ukraine và các chính sách tị nạn”. Không những thế, cuộc khủng hoảng tị nạn cũng đứng đầu danh sách dự báo của trang web nobeliana.com.

Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng là ứng cử viên sáng giá trong số 273 đề cử, bởi những nỗ lực của ông trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran. GS Peter Wallensteen ở Đại học Uppsala (Thụy Điển) cho rằng, ngoài ông Kerry với hoạt động ngoại giao con thoi bền bỉ đáng được nhắc đến, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif và Cao ủy đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini hoặc người tiền nhiệm Catherine Ashton cũng đều là những “kiến trúc sư” cho thỏa thuận hạt nhân giữa P5+1 và Iran.

Tháng 7 vừa qua, thỏa thuận mà 6 cường quốc và Iran đạt được đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ ngoại giao giữa phương Tây với Tehran; theo đó, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo sẽ dần được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt lên nền kinh tế nước này từ năm 2006 đến nay. Ông Tariq Rauf, Giám đốc Chương trình Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, cho rằng thỏa thuận giữa P5+1 và Iran là hiệp định hạt nhân nổi bật nhất trong 2 thập niên qua.

Trong số những đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay còn có chính phủ Colombia và lực lượng FARC với tiến trình hòa bình; chiến dịch quốc tế tiêu hủy vũ khí hạt nhân (ICAN); bác sĩ người Congo Denis Mukwege, người đã điều trị cho hàng nghìn phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục ở Congo; Giáo hoàng Francis…

Giải Nobel Hòa bình năm ngoái được trao cho Malala Yousafzai, cô gái người Pakistan với chiến dịch đấu tranh cho quyền được học hành của các bé gái ở quốc gia Nam Á này, và nhà hoạt động người Ấn Độ Kailash Satyarthi.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.