.

Indonesia từ chối tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông

.

Ít ngày sau đề nghị của Trung Quốc tổ chức tập trận chung với các nước láng giềng được đưa ra trong cuộc họp với các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia tuyên bố quân đội nước này sẽ không tham gia các hoạt động có thể làm Biển Đông thêm căng thẳng.

Bộ trưởng Quốc phòng TQ Thường Vạn Toàn tại diễn đàn An ninh Hương Sơn. Ảnh ngày 16/10/2015. REUTERS/cnsphoto
Bộ trưởng Quốc phòng TQ Thường Vạn Toàn tại diễn đàn An ninh Hương Sơn. Ảnh ngày 16-10-2015. REUTERS

Antara, hãng thông tấn chính thức của Indonesia, ngày 20-10, dẫn lời tướng Gatot Nurmantyo, lãnh đạo quân đội Indonesia. Theo đó, Jakarta cam kết duy trì an ninh và ổn định tại Biển Đông, "điều đó có nghĩa là, nếu như có quốc gia nào mời (chúng tôi) tham gia (một hoạt động tập trận) tại Biển Đông, quân đội Indonesia tốt hơn là không nên nhận lời, với mục tiêu duy trì an ninh khu vực".

Trong bản tin này, hãng thông tấn Indonesia nhắc lại: lời mời tập trận chung đã được Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chuyển đến các đồng nhiệm ASEAN trong cuộc gặp không chính thức tại Bắc Kinh hồi tuần trước.

Cũng nhân cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Raycudu đã kêu gọi các nước ASEAN có liên quan và Trung Quốc khẩn trương tổ chức các cuộc tuần tiễu hỗn hợp tại Biển Đông để "duy trì hòa bình và ổn định trong vùng".

Tình hình Biển Đông trong những tháng gần đây trở nên hết sức căng thẳng, với việc Trung Quốc tăng tốc mở rộng nhiều đảo nhân tạo và xây cất nhiều công trình kiên cố tại khu vực Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), bất chấp phản ứng của các nước láng giềng và quốc tế.

Ngày 17-10, tại Diễn đàn an ninh Hương Sơn (Xiangshan), còn gọi là Fragrant Hills, lần thứ sáu, do Trung Quốc chủ trì, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein nhắc lại lời kêu gọi tăng tốc quá trình tham vấn để mau chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Nhiều chuyên gia tố cáo Bắc Kinh trì hoãn đàm phán để rảnh tay hành động tại Biển Đông, nơi yêu sách đường chữ U (còn là đường lưỡi bò) của Trung Quốc chiếm đến 80 % diện tích.

Theo RFI

;
.
.
.
.
.