.

Iraq muốn dựa vào Nga để chống IS

.

Iraq muốn Nga đóng vai trò lớn hơn so với Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành ở nước này. Song, Washington hạ thấp cơ hội tham gia của Mátxcơva trong chiến dịch không kích.

Xe tăng của quân đội Iraq chống IS ở gần Beiji trong chiến dịch chiếm lại thị trấn phía bắc này.  Ảnh: AFP
Xe tăng của quân đội Iraq chống IS ở gần Beiji trong chiến dịch chiếm lại thị trấn phía bắc này. Ảnh: AFP

Ngày 20-10, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford có chuyến thăm đầu tiên đến Iraq với cương vị một quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ. Ông Dunford nói rằng, ông không thấy cơ hội dành cho Nga tham gia chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu ở Iraq trong tương lai gần. Trong chuyến công cán nước ngoài đầu tiên này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cũng muốn cập nhật thông tin về các trận chiến ở Beiji và Ramadi.

Sự can thiệp của Nga vào cuộc khủng hoảng ở Syria; đồng thời, sự tham gia của Mátxcơva vào hệ thống chia sẻ thông tin tình báo mới có cơ sở ở Baghdad cùng với Iran, Syria và Iraq làm Mỹ không hài lòng. Bởi lẽ, Washington cho rằng, đối thủ Chiến tranh Lạnh của mình đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết, ngày 1-10 vừa qua, ông Dunford - người vừa giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - đã hoan nghênh việc Nga tiến hành không kích chống lại IS ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, giờ đây, ông Dunford nói rằng, ông Abadi không nhờ sự trợ giúp của Nga trong việc tiến hành không kích chống IS.

Can thiệp quân sự của Nga ở Syria đã dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn cục diện chiến dịch do Mỹ dẫn đầu để chống IS. Tuy Nga chưa tiến hành không kích ở Iraq nhưng trước những bước tiến của Mátxcơva tại Syria, các quan chức Baghdad tỏ ra thất vọng về tốc độ và chiều sâu của chiến dịch từ phía Mỹ. Theo các chiến binh Shiite, Mỹ thiếu sự quyết đoán và không sẵn sàng cung cấp vũ khí cần thiết cho người Kurd, thông qua sự bảo trợ của chính phủ Iraq. Song, Washington bác bỏ chỉ trích này.

Thực tế, đến nay, Mỹ không cung cấp vũ khí trực tiếp cho người Kurd, lực lượng được cho là chiến đấu chống IS tốt hơn quân đội Iraq. Thay vào đó, Washington khẳng định muốn làm việc thông qua chính phủ Baghdad để tránh sự chia rẽ sắc tộc ở quốc gia này.

Tuần trước, một nhân vật cấp cao trong Quốc hội Iraq cho hay, nước này đã bắt đầu đánh bom nhằm vào IS với sự trợ giúp của trung tâm tình báo mới ở thủ đô Baghdad (trong đó có sự tham gia của Nga, Iraq, Iran và Syria). Iraq đang xích lại gần và muốn dựa vào Nga, thay vì dựa vào Mỹ, bởi chiến dịch do Washington dẫn đầu để chống IS đang diễn ra quá chậm, chẳng hạn việc chiếm lại thành phố Mosul. Trong khi đó, IS đã “phủ sóng” khắp miền bắc Iraq từ năm ngoái. Quân đội Iraq dường như “sụp đổ” bởi nhiều binh sĩ đã bỏ sang gia nhập IS.

Tuy nhiên, Mỹ đang chỉ trích cả Nga lẫn Iraq. Washington cho rằng, Mátxcơva đã áp dụng một chiến lược quân sự khiếm khuyết ở Syria và phía Iraq thì không sẵn lòng chống IS. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu An ninh - quốc phòng Hoàng gia Anh thậm chí cho rằng, Mỹ có thể không quan tâm đến Syria nữa và đang chuẩn bị phương án từ bỏ khu vực này.

Chưa rõ Mỹ có từ bỏ sự can dự ở Syria như nhận định của giới phân tích và Nga có mở rộng chiến dịch không kích sang Iraq hay không khi các nhóm khủng bố đang gây mất ổn định cho cả khu vực, chứ không riêng gì Syria. Reuters dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: Những kẻ khủng bố đang xây dựng các kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động và gây bất ổn cho toàn khu vực. Riêng chiến dịch của Nga tại Syria cũng có những bước phát triển mới khi không quân Nga đã oanh kích và phá hủy một trại huấn luyện lớn của IS ở tỉnh Latakia. Trong 24 giờ, từ ngày 19-10 đến 20-10, Nga đã tiến hành 33 cuộc không kích, phá hủy hơn 49 mục tiêu của các tay súng vũ trang ở một số khu vực của Syria.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.