.

Mối đe dọa từ IS với Thổ Nhĩ Kỳ

.

Chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ đánh bom ở thủ đô Ankara ngày 10-10 nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là nghi phạm hàng đầu.

Tang lễ một nạn nhân diễn ra ở thành phố Istanbul.					            Ảnh: AFP
Tang lễ một nạn nhân diễn ra ở thành phố Istanbul. Ảnh: AFP

Hãng AP dẫn lời các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, số người chết trong 2 vụ đánh bom tăng lên 97 người. Song, theo Đảng Dân chủ nhân dân (HDP) thân người Kurd, một trong những lực lượng tổ chức tuần hành trên đường phố Ankara nhằm kêu gọi chấm dứt bạo lực ở đất nước này, có đến 128 người chết. Tang lễ tiễn đưa các nạn nhân xấu số đã diễn ra vào ngày 12-10 trong không khí đau buồn xen lẫn tức giận. Nhiều nạn nhân là các nhà hoạt động của HDP.

Phát biểu trên đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Ahmet Davutoglu nói rằng, cuộc tắm máu ở gần nhà ga trung tâm Ankara là nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến tổng tuyển cử, dự kiến vào ngày 1-11 tới.

Theo ông Davutoglu, cơ quan điều tra đã gần xác định được một trong những kẻ đánh bom, qua đó có thể chỉ ra nhóm nào chịu trách nhiệm về vụ việc này. “Xem xét những gì đã diễn ra, chúng tôi tập trung điều tra Daesh (IS)”, Thủ tướng Davutoglu nói. Nhà lãnh đạo này khẳng định bầu cử vẫn diễn ra đúng kế hoạch, dù cuộc tấn công vừa qua đang làm dân chúng tức giận về sự thất bại của giới chức trong việc bảo đảm an ninh.

Tuy nhiên, AFP cho hay, Thủ tướng Davutoglu vẫn rất thận trọng khi nói rằng, các nhà chức trách đang điều tra 3 nhóm, trong đó có IS, Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Đảng Mặt trận Giải phóng nhân dân (DHKP-C). Ông bác bỏ những chỉ trích về thất bại của ngành an ninh và tình báo, đồng thời khẳng định: Thổ Nhĩ Kỳ không thể đối mặt với nội chiến như nước láng giềng Syria.

Các nhà điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang xem xét giả thuyết các chiến binh IS đứng sau 2 vụ tấn công, đồng thời xem xét giả thuyết người anh cả đang mất tích của Abdurrahman Alagoz, thủ phạm vụ đánh bom ở thị trấn Suruc, có thể thực hiện 1 trong 2 vụ tấn công lần này.

Các nhà điều tra tin rằng, loại bom được sử dụng trong vụ ở Suruc hồi tháng 7 vừa qua và vụ ở Ankara lần này tương tự nhau. Từ ngày 11-10, giới chức Ankara đã bắt giữ hơn 40 người bị tình nghi là thành viên IS trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chưa rõ các chiến dịch bắt giữ này có liên quan đến các vụ tấn công ở nhà ga vừa xảy ra hay không.

Cuộc họp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Davutoglu với các quan chức an ninh hàng đầu như Giám đốc tình báo Hakan Fidan, người đứng đầu quân đội Hulusi Akar, đã diễn ra vào ngày 12-10.

Ông Erdogan đang phải chịu áp lực lớn khi đất nước của ông sắp bước vào cuộc bầu cử sớm. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền mặc dù giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 7-6 vừa qua nhưng không chiếm đa số ghế trong Quốc hội và không thể thành lập chính phủ liên minh. Ông đã kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 1-11 tới nhưng các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, kết quả có thể tương tự cuộc bỏ phiếu hồi tháng 6.

Tuy chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chưa khẳng định IS thật sự là thủ phạm nhưng người dân quan ngại các chiến binh đang hoành hành ở nước láng giềng Syria sẽ trở thành mối đe dọa đối với Ankara. Sau vụ đánh bom ở Suruc, PKK đã cáo buộc chính phủ hợp tác với IS.

Còn lần này, các nhà quan sát quốc tế cho rằng, thủ phạm chính là IS nhằm thổi lửa xung đột giữa chính phủ với người Kurd, ngăn cản nỗ lực đàm phán giữa hai bên. Nếu IS quả thật với tay sang Thổ Nhĩ Kỳ thì Ankara sẽ càng gặp khó vì đối mặt với sự trả đũa. Trong lúc đó, những bất ổn chính trị ở trong nước vẫn chưa được giải quyết; thậm chí, tổng tuyển cử sắp tới cũng có thể không tháo gỡ được sự rối rắm của quốc gia là thành viên NATO này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.