Việc Mỹ đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen tiến gần khu vực Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông vào ngày 27-10 được cho là hành động thách thức trực tiếp của Washington đối với những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh.
Tàu USS Lassen là tàu chiến hùng mạnh của Mỹ, được trang bị nhiều vũ khí cực kỳ hiện đại. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters dẫn tuyên bố của hải quân Mỹ xác nhận tàu USS Lassen, tàu khu trục tên lửa định vị lớp Arleigh Burke, đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh bãi đá Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép. Washington cũng khẳng định tàu USS Lassen đang thực hiện các hoạt động trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế. Tàu có chiều dài 155,3m, rộng 20m, được trang bị khí tài hùng hậu.
Thực thi quyền tự do hàng hải
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông chỉ kéo dài vài giờ. Đi kèm tàu khu trục USS Lassen là một máy bay tuần tra P-8A của hải quân Mỹ và có thể thêm máy bay P-3.
Căng thẳng trên Biển Đông gia tăng khi Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và Mỹ cho rằng động thái này đe dọa quyền tự do hàng hải. Nhiều lần Mỹ khẳng định không công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những đảo nhân tạo này.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh sẽ thực thi quyền tự do hàng hải ở bất kỳ vùng biển quốc tế nào, trong đó có Biển Đông. “Chúng tôi hoạt động thường xuyên ở Biển Đông và chúng tôi sẽ neo đậu tại các vùng biển quốc tế vào thời điểm do chúng tôi quyết định”, AFP dẫn lời một quan chức Mỹ nói.
Theo đó, tàu USS Lassen áp sát các đảo nhân tạo trái phép và di chuyển trong vài giờ. Ngoài ra, hải quân Mỹ tiếp tục tuần tra trên Biển Đông vào những tuần tới và đây sẽ là hoạt động thường xuyên.
Hãng Reuters cho rằng, tàu USS Lassen hiện diện ở gần khu vực Trung Quốc bồi lấp đảo trái phép là sự thách thức đáng kể nhất của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời có thể làm dấy lên căng thẳng tại một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Các nhà chức trách Mỹ nhấn mạnh việc tuần tra nhằm bảo đảm nguyên tắc tự do hàng hải của vùng biển quốc tế trên Biển Đông; qua đó cũng cho thấy Washington không chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo được bồi lấp trái phép.
Điều đáng lưu ý, theo báo Washington Post, sứ mệnh tuần tra của tàu USS Lassen một phần nhằm kiểm tra cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng trước. Lúc đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng, Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này đơn phương xây dựng trên Biển Đông.
Trung Quốc tức giận
Trong lúc đó, Trung Quốc đã phản ứng tức giận về sự hiện diện của tàu USS Lassen, gọi động thái của Mỹ là “bất hợp pháp”, yêu cầu Washington phải “sửa sai” và Bắc Kinh sẽ có “kiên quyết đáp trả bất kỳ sự khiêu khích có chủ ý nào”. Các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã giám sát, theo dõi và đưa ra cảnh báo đối với tàu khu trục Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, tàu USS Lassen đã tiến gần các đảo mà nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới tuyên bố chủ quyền nhưng không có sự xin phép nào. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho hay, nước ông có thể thúc đẩy sự hiện diện quân sự trên Biển Đông.
Tại Washington, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc kêu gọi Mỹ kiềm chế. Thậm chí, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn nói rằng, Mỹ nên suy nghĩ lại trước khi hành động.
Trong khi đó, phía Mỹ vẫn bảo vệ sứ mệnh của tàu khu trục hiện đại. Giới chức Washington cho biết, họ không thông báo trước với phía Bắc Kinh về chuyến tuần tra này. “Bạn không cần phải tham vấn bất cứ quốc gia nào khi thực hiện quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói.
Thượng nghị sĩ Randy Forbes cũng ca ngợi việc hải quân Mỹ điều tàu USS Lassen tuần tra trên Biển Đông. Ông Forbes gọi đây là việc làm cần thiết để phản ứng lại cách hành xử gây bất ổn của Trung Quốc trong khu vực.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các thực thể ngập hoàn toàn dưới mực nước biển khi thủy triều lên như bãi Subi và bãi Vành Khăn thì không có quyền có lãnh hải xung quanh, mà chỉ có một khu vực an toàn 500 mét. Về phương diện pháp lý, việc tàu USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý quanh 2 bãi đá này không bị xem là đi vào “lãnh hải”. Theo đó, Trung Quốc không có lý do gì để cáo buộc Mỹ đang có hành vi khiêu khích, hay xâm phạm lãnh hải.
"Bạn không cần phải tham vấn bất cứ quốc gia nào khi thực hiện quyền tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế" Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby |
PHÚC NGUYÊN