Quốc tế

Mỹ - Nga bất đồng sâu sắc về các vấn đề Trung Đông

14:46, 04/10/2015 (GMT+7)

Trong bài phát biểu trong buổi họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây, Tổng thống Mỹ và Nga đã bộc lộ những quan điểm đối nghịch về nhiều vấn đề bao gồm cuộc chiến Syria, nội chiến tại Ukraine, và tình hình Lybia.

heo ông Obama, các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây đưa ra là để ngăn các hành vi xâm phạm chủ quyền chứ không phải sự khiêu khích để đẩy thế giới quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh - Ảnh: The Guardian.
Theo ông Obama, các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây đưa ra là để ngăn các hành vi xâm phạm chủ quyền chứ không phải sự khiêu khích để đẩy thế giới quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh - Ảnh: The Guardian.

Nếu muốn nhận xét về trọng tâm chính ngoại giao của Tổng thống Mỹ Obama từ bài phát biểu của ông, có thể thấy dù tuyên bố “xoay trục” về châu Á nhưng mối quan tâm chính của Mỹ vẫn là khu vực Trung Đông bởi phần lớn bài diễn văn của ông Obama tập trung vào khu vực này. 

Đối với vấn đề Biển Đông, dù thời gian gần đây, Trung Quốc có tăng cường thêm một số hoạt động xây dựng trái phép trên các khu vực có tranh chấp của Biển Đông, tuyên bố của ông Obama không có điểm gì mới và cũng không thể hiện quan điểm cứng rắn hơn so với trước. 

Ông Obama đồng thời tái khẳng định sẽ bảo vệ Mỹ và các nước đồng minh bằng mọi giá, sẵn sàng sử dụng vũ lực khi cần thiết.

Đối với vấn đề Syria, Tổng thống Nga Putin cương quyết giữ vững lập trường ủng hộ chính quyền của Tổng thống Assad. Ông Putin khẳng định sẽ là hoàn toàn sai lầm nếu từ chối vai trò của các binh sỹ Syria bởi họ đang làm nhiệm vụ chống khủng bố và rằng chỉ có Nga mới đủ khả năng mang đến sự ổn định cho đất nước này. 

Tổng thống Obama trong khi đó khẳng định cần phải thay chính quyền của ông Assad bằng chính quyền mới bởi những chính sách đầy bạo lực của Assad đã khiến chính bản thân người Syria không thể sống nổi vì thế họ cần một sự thay đổi lớn. 

Ông Obama đồng thời liên tục chỉ trích Nga về những hành động khiến cuộc chiến Syria trở nên căng thẳng hơn.

Cũng tại khu vực Trung Đông, một địa bàn quan trọng của cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc thế giới, ông Obama và ông Putin tiếp tục đưa ra những quan điểm đối nghịch đối với tình hình an ninh nội địa của nước này. 

Ông Obama bảo vệ chính sách lật đổ “bạo chúa” (ám chỉ ông Muammar Gaddafi) và cho rằng chính quyền liên minh (do Mỹ đứng đầu) sẽ có thể làm nhiều hơn để lấp đầy khoảng trống quyền lực mà ông Gaddafi đã để lại. 

Đối với ông Putin, nước Mỹ đã chẳng làm được gì cho Lybia ngoại trừ mang đến bạo lực, nghèo đói và thảm họa xã hội.

Đối với Ukraine ngay sát biên giới của Nga, ông Obama muốn khẳng định ảnh hưởng của Mỹ tại đây. Ông Obama cho rằng người dân Ukraine luôn muốn liên kết với phương Tây. 

Tổng thống Mỹ tuyên bố nước Mỹ và phương Tây không hề có quyền lợi hay lợi ích nào liên quan đến Ukraine và thừa hiểu mối quan hệ lâu đời giữa Nga, Crimea và Ukraine, thế nhưng từ góc độ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một đất nước, Mỹ và phương Tây buộc phải can thiệp.

Cũng theo ông Obama, các biện pháp trừng phạt Nga mà phương Tây đưa ra là để ngăn các hành vi xâm phạm chủ quyền chứ không phải sự khiêu khích để đẩy thế giới quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh. 

Đáp lại quan điểm này, ông Putin cho rằng có thế lực đã lợi dụng sự bất mãn của người Ukraine để tiến hành cuộc đảo chính tại nước này.

Ông Obama khẳng định dân chủ của kiểu Mỹ cũng đúng với mọi nền dân chủ trên thế giới và rằng mọi chế độ độc tài sẽ không bao giờ bền vững bởi người ta có thể cầm tù con người chứ không bao giờ có thể ngăn được những ý tưởng phát triển. 

Theo ông Putin, sẽ thật sai lầm nếu một nước cho rằng mô hình phát triển đúng với họ sẽ có thể áp dụng được với nhiều nước khác.

Theo VnEconomy

.