.

NATO đối mặt nhiều thách thức

.

Trong cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels (Bỉ) ngày 8-10, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, khối này đang đối mặt với nhiều thách thức từ nhiều hướng khác biệt, bao gồm xung đột, bất ổn và không bảo đảm an ninh.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, khối này có thể và sẵn sàng bảo vệ tất cả đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. 			                                               Ảnh: AP
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, khối này có thể và sẵn sàng bảo vệ tất cả đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Các Bộ trưởng 28 nước NATO nhóm họp giữa lúc hai cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết: khủng hoảng ở Ukraine và khủng hoảng ở Syria. Liên minh quân sự này đặc biệt quan tâm cuộc khủng hoảng ở Syria khi Nga đã bắt đầu tiến hành không kích phối hợp với các hoạt động trên bộ của quân đội Syria chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan ở quốc gia Trung Đông này, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Hơn nữa, chỉ trong gần 10 ngày triển khai chiến dịch không kích trên lãnh thổ Syria, đến nay, không quân Nga đã phá hủy khoảng 40% cơ sở hạ tầng của IS. Còn liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu thì sau một năm tiến hành chiến dịch ở Syria vẫn lúng túng và bị động.

Việc Nga can dự vào cuộc khủng hoảng ở Syria dĩ nhiên không làm vừa lòng Mỹ và NATO. Theo AP, tại Brussels, các Bộ trưởng NATO xem xét những tác động từ hoạt động quân sự của Nga đến an ninh của khối này. Báo The Guardian cũng cho rằng, sự liên quan của Nga ở Syria và việc Mátxcơva triển khai tên lửa hành trình đến vùng biển Caspia chiếm lĩnh diễn đàn của các Bộ trưởng NATO tại Brussels.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, liên minh của ông sẵn sàng triển khai lực lượng nếu cần thiết, để bảo vệ thành viên Thổ Nhĩ Kỳ. “NATO có thể và sẵn sàng bảo vệ tất cả đồng minh, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, chống lại bất kỳ mối đe dọa nào”, ông Stoltenberg nói.

Phát biểu của người đứng đầu NATO được đưa ra sau khi các máy bay của Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Nga đã tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào những gì mà nước này gọi là mục tiêu khủng bố ở Syria nhưng trong quá trình thực hiện, máy bay của Mátxcơva đi vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên phản ứng của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu và Ankara.

Ngày 7-10, Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ Nga lần thứ ba chỉ trong 4 ngày để phản đối về vụ xâm phạm không phận. Ngày 8-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Nga rằng, hành động quân sự của Mátxcơva đang gây nguy hiểm cho mối quan hệ thương mại song phương.

Theo đó, Ankara có thể tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt khác và hoãn xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này - dự án đang được Nga xây dựng. Hiện Mátxcơva cung cấp 60% nhu cầu khí đốt cho Ankara.

Song, ngày 8-10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: Nga muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Peskov cho hay, các hành động hỗ trợ bảo vệ Syria của Nga nhằm đóng góp vào việc đảm bảo sự ổn định và an ninh trong khu vực nằm giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tuyên bố của Nga không xoa dịu được phản ứng của Ankara. Tối 8-10 (giờ Brussels), Tổng Thư ký Stoltenberg cũng có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Vecdi Gonul.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon vẫn cho rằng, hành động của Nga ở Syria không nhằm tấn công IS mà để bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad, vì vậy càng làm tình hình “thêm nguy hiểm”. Ông Fallon muốn Nga ngừng ủng hộ chính phủ Assad.

Hiện vẫn chưa có quyết định nào chính thức được đưa ra trong việc NATO tăng cường sự hiện diện của mình để đối phó với những thách thức như liên minh này nói, nhưng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn là nguồn cơn của các mối quan ngại của khối quân sự. Ông Stoltenberg nói rằng, có thể triển khai 40.000 binh sĩ lực lượng phản ứng nhanh, đồng thời sẽ thông qua kế hoạch thiết lập 2 trụ sở quân sự mới tại Hungary và Slovakia.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.