.

Nga tốn 87 triệu USD sau 2 tuần không kích quân khủng bố

.

Tính toán sơ bộ cho thấy, chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria đã tiêu tốn của Nga 87 triệu USD sau hai tuần không kích quân khủng bố.

Máy bay chiến đấu Su-34 của Nga thả bom oanh tạc các mục tiêu IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Máy bay chiến đấu Su-34 của Nga thả bom oanh tạc các mục tiêu IS tại Syria. Ảnh: Reuters

Cái được đối với Moskva không khó để nhận ra. Trên chiến trường, các máy bay Nga đã giáng cho quân khủng bố những đòn choáng váng, phá hủy nhiều công sự ngầm, kho đạn, trại huấn luyện. Quân đội Syria được sự hỗ trợ hỏa lực đường không của Nga cũng đã mở cuộc phản công quy mô lớn, giành lại quyền kiểm soát tại nhiều địa điểm chiến lược ở Homs, Hama, Latakia.

Trên bình diện quốc tế, Nga đã chứng tỏ mình là một “người chơi” không thể bỏ qua trong cuộc xung đột ở Syria, là một siêu cường thực sự, ít nhất là trên khía cạnh tiềm lực quân sự. Mỹ có thể vẫn duy trì được sức mạnh đứng hàng số một thế giới, thế nhưng Nga dư sức để làm thay đổi cuộc chơi.

Để duy trì các chiến dịch không kích ở Syria, Nga đã phải bỏ ra bao nhiều tiền trong 2 tuần qua? Nga không công bố, vì đó là vấn đề liên quan đến bí mật quân sự. Tuy nhiên, theo Igor Sutyagin, chuyên gia cao cấp về Nga tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), khoản kinh phí này rơi vào khoảng 87 triệu USD.

Trong đó, các cuộc không kích tiêu tốn khoảng 2,5 triệu USD/ngày, đảm bảo cho việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành ném bom của khoảng 34 máy bay/ngày. Đắt nhất là loạt phóng 26 tên lửa hành trình Kalibr-NK hôm 7/10: 52 triệu USD (2 triệu USD/quả). Ngoài ra, còn phải kể đến khoản tiền trang trải cho 2.000 binh sĩ, chuyên gia Nga đang có mặt ở Syria làm nhiệm vụ hậu cần, kĩ thuật; chi phí vận chuyển vũ khí, nhiên liệu từ Nga sang Syria.

Giới chức Nga khẳng định Moskva có thể dễ dàng thu xếp tài chính cho chiến dịch can dự tại Syria – một đòn đánh ở quy mô hạn chế. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chiến dịch không kích không làm tăng gánh nặng cho ngân sách quốc phòng Nga, khi mà số tiền bỏ ra “nhỏ hơn nhiều” so với chi tiêu cho các cuộc tập trận quy mô lớn mà quân đội Nga thực hiện thời gian gần đây.

Chuyên gia quân sự độc lập người Nga Aleksandr Goltz cũng nhận định, ngân sách quốc phòng hoàn toàn có thể bảo đảm cho chiến dịch quân sự ở Syria ở tầm mức như hiện nay, cụ thể là khả năng đảm bảo cho hoạt động tác chiến của một trung đoàn không quân tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, một cuộc tiến công trên quy mô lớn là hoàn toàn khác, khi số tiền có thể bị đội lên rất nhiều.

Cho đến nay, Moskva luôn tuyên bố Nga không có dự định đưa bộ binh tham chiến ở Syria.

Theo Tin tức

;
.
.
.
.
.
.