.

Syria tìm giải pháp chính trị lâu dài

.

Syria muốn tìm giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở đất nước này. Nga tuyên bố ủng hộ Damascus về quân sự, đồng thời kêu gọi một giải pháp chính trị liên quan đến tất cả các bên để kết thúc khủng hoảng.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) đã bất ngờ đến Mátxcơva để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.  				               Ảnh: RIA Novosti/AP
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (trái) đã bất ngờ đến Mátxcơva để gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti/AP

Tổng thống Bashar al-Assad đã bất ngờ đến Mátxcơva để gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin vào tối 20-10 và bàn thảo về cuộc chiến chống “các tổ chức khủng bố ở Syria”. Đây là chuyến công cán nước ngoài đầu tiên của ông Assad kể từ khi xung đột bùng phát ở Syria vào năm 2011.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả chuyến thăm chớp nhoáng của nhà lãnh đạo Syria là “chuyến thăm vì công việc”. Sáng 21-10, Văn phòng Tổng thống Syria xác nhận với AFP rằng, ông Assad đã trở về Damascus.

Hãng AFP cho biết, trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin, nhà lãnh đạo Syria đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của “các bước đi chính trị tiếp theo” và khẳng định: Giải pháp cho cuộc khủng hoảng là một giải pháp chính trị. Ông cảm ơn người đứng đầu Điện Kremlin về quyết định tiến hành chiến dịch không kích ở Syria từ ngày 30-9 vừa qua.

“Tôi cần nói rằng, những bước đi chính trị mà Nga đã thực hiện kể từ đầu cuộc khủng hoảng đã ngăn chặn các sự việc ở Syria phát triển theo hướng một kịch bản bi thảm hơn”, Điện Kremlin dẫn lời Tổng thống Assad nói. Theo ông, chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng khắp khu vực chắc hẳn đã chiếm đóng nhiều vùng đất rộng lớn hơn và lan ra những vùng khác nếu không có hành động cũng như quyết định của Nga.

Ông Assad khẳng định: Các cuộc không kích mà Nga đã tiến hành ở Syria đã giúp ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố ở quốc gia Trung Đông này. “Chủ nghĩa khủng bố là trở ngại cho một giải pháp chính trị”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tổng thống Putin nói rằng, Nga sẵn sàng đóng góp không chỉ là hành động quân sự trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố mà còn trong suốt tiến trình chính trị. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định: Cuối cùng thì người dân Syria vẫn nên quyết định số phận của đất nước mình.

Có mặt tại các cuộc gặp gỡ với Tổng thống Assad, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nước ông sẽ không ngừng chiến dịch quân sự ở Syria. Theo ông, với sự ủng hộ của Nga, lực lượng chính phủ Syria từ thế “rút lui” chuyển sang thế “tấn công”, lấy lại một phần lãnh thổ từ tay IS. Thực tế, chỉ một tuần sau khi Nga tiến hành không kích, lực lượng mặt đất Syria đã bắt đầu giành lại ưu thế ở miền trung và miền bắc.

Đến nay, lực lượng chính phủ Syria đã đánh bại IS khỏi một số ngôi làng nhưng vẫn chưa có chiến thắng nào mang tính chiến lược. Nhiều cuộc tấn công nhằm vào quân nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn ở phía tây Syria và chi nhánh Al-Qaeda nhưng không nhằm vào IS - tổ chức đang chiếm giữ khu vực phía đông của đất nước này.

Hãng AP cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Assad phản ánh niềm tin của ông sau khi Nga và Iran bày tỏ sự ủng hộ chính phủ Damascus. Nga hỗ trợ các hoạt động trên không, còn Iran điều hàng trăm binh sĩ đến Syria hỗ trợ các cuộc tấn công trên mặt đất. Nga nhiều lần khẳng định mục tiêu của chiến dịch là những kẻ khủng bố, trong đó có IS. Song, phía chỉ trích, trong đó có Mỹ, cho rằng sự can thiệp của Nga nhằm ủng hộ ông Assad.

Hơn nữa, chuyến thăm chóng vánh nói trên cũng minh chứng việc Nga có vai trò lớn ở Trung Đông như thế nào. Iran cũng là đồng minh mạnh của chính phủ Syria nhưng theo Reuters, việc Tổng thống Assad chọn thăm Nga trước Tehran cho thấy Mátxcơva hiện là người bạn nước ngoài quan trọng nhất của ông.

Cũng theo các nhà quan sát, sự hiện diện của ông Assad tại Nga là dấu hiệu rõ ràng về sự thành công của Mátxcơva trong chiến dịch tại Syria, trong lúc liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn lúng túng với chiến dịch chống IS; đồng thời, Nga sẽ theo đuổi giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở nước đồng minh, như Tổng thống Putin từng cam kết, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, của mọi lực lượng, các nhóm dân tộc và tôn giáo.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.