.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Cơ hội của Ai Cập

.

Cử tri Ai Cập ngày 18-10 bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội đã được chờ đợi quá lâu. Đây là bước đi cuối cùng trong tiến trình đưa đất nước này trở lại nền dân chủ và chấm dứt tình trạng Quốc hội “treo” từ tháng 6-2012 đến nay.

Người dân Ai Cập đi bỏ phiếu ở Cairo.										 Ảnh: AP
Người dân Ai Cập đi bỏ phiếu ở Cairo. Ảnh: AP

Thực tế, những cử tri Ai Cập sinh sống ở nước ngoài đã bắt đầu đi bỏ phiếu từ ngày 17-10. Cuộc bầu cử chia 2 vòng, vòng 1 từ ngày 18-10 đến 19-10 và vòng 2 từ ngày 22-11 đến 23-11. Kết quả cuối cùng của 596 ghế trong Quốc hội sẽ được công bố vào đầu tháng 12 tới, trong đó 448 ghế dành cho các ứng cử viên độc lập, 120 ghế dành cho các ứng viên giành chiến thắng theo danh sách của tất cả đảng phái và 28 ghế còn lại do tổng thống chỉ định.

Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, cuộc bầu cử sẽ củng cố quyền lực của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi sau khi ông loại bỏ tất cả phe đối lập. Con số hơn 5.000 ứng cử viên tham gia tranh cử là những người ủng hộ ông Sisi đã minh chứng rõ điều này. Vì vậy, giáo sư khoa học chính trị Hazem Hosny ở Đại học Cairo có cơ sở để cho rằng, Quốc hội ở Ai Cập sắp được bầu sẽ là cơ quan lập pháp của tổng thống.

Cuộc bầu cử Quốc hội trước đó được ấn định vào ngày 21-3 nhưng đã bị hoãn. Nhiều người dân Ai Cập đã mệt mỏi vì khủng hoảng chính trị kéo dài từ năm 2011 đến nay, sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. Rồi đến ông Mohamed Mursi, Tổng thống đầu tiên được dân cử ở Ai Cập, cũng bị quân đội do ông Sisi dẫn đầu lật đổ vào ngày 3-7-2013, sau các cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố.

Cuộc trấn áp do ông Sisi thực hiện nhằm vào phong trào Huynh đệ Hồi giáo của cựu Tổng thống Mursi đã làm hàng trăm người chết và hàng ngàn người khác bị bắt. Các phiên tòa diễn ra chóng vánh với các bản án tử hình dành cho ông Mursi và hàng trăm người khác. Liên Hợp Quốc gọi đây là “điều chưa từng có trong lịch sử hiện đại của Ai Cập”. Và ông Sisi đã trở thành nhà lãnh đạo mới sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái.

Có tên trong danh sách “tổ chức khủng bố”, đảng Huynh đệ Hồi giáo vốn chiếm 44% số ghế trong cuộc bầu cử đầu tiên sau khi ông Mubarak bị lật đổ vào năm 2011, nay bị cấm tham gia chính trị. Trong khi đó, các phong trào cánh tả và thế tục tẩy chay bầu cử. Vì vậy, các đảng đối lập vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu quan trọng lần này, ngoại trừ đảng Salafi Al-Nour, nhóm Hồi giáo cực bảo thủ từng một thời ủng hộ ông Mursi.

Quốc hội Ai Cập sẽ có sự ảnh hưởng đến chính sách và ngân sách hơn các chính phủ trước đó. Cơ quan lập pháp này cũng có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết bất kỳ vị thủ tướng nào do tổng thống bổ nhiệm và có thể có động thái bất tín nhiệm Tổng thống Sisi bằng 2/3 số phiếu. Song, thực tế, sự vắng mặt của phe đối lập đồng nghĩa với việc ông Sisi sẽ không phải là mối bận tâm lớn của các nghị sĩ và các chính sách của nhà lãnh đạo này cũng sẽ dễ dàng được thông qua.

Phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia ngày 17-10, Tổng thống Sisi đã kêu gọi người dân Ai Cập tham gia bầu cử, đồng thời bày tỏ mong muốn tất cả hiểu rõ những thách thức mà nước ông đang đối mặt. Tuy nhiên, theo AP, nhiều nhà phân tích và quan sát dự đoán tỷ lệ bỏ phiếu rất thấp, bởi người dân đã chán ngán với việc chỉ trong 4 năm mà có nhiều cuộc bầu cử.

Không những bất ổn về chính trị, Ai Cập còn rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách, với mức thâm hụt được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo khoảng 20 tỷ USD trong 2 năm tới. Tổng thống Sisi cam kết sẽ khôi phục nền kinh tế, đấu tranh chống lực lượng Hồi giáo và thúc đẩy vai trò của Ai Cập ở Trung Đông. Nhưng ông có thực hiện được cam kết của mình hay không và tương lai của quốc gia này như thế nào vẫn là điều khó đoán. Dù sao thì vẫn phải chờ kết quả cuộc bỏ phiếu lần này, được xem là thước đo đối với ông Sisi.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.