Hai vụ đánh bom liều chết xảy ra vào ngày 10-10 làm ít nhất 95 người thiệt mạng đánh dấu “ngày u ám” ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án những gì mà ông gọi là “vụ tấn công tàn ác” nhằm vào tinh thần đoàn kết và hòa bình ở quốc gia Trung Đông này.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường biểu tình phản đối vụ tấn công đẫm máu. Ảnh: AFP |
Thổ Nhĩ Kỳ bước vào 3 ngày quốc tang, từ ngày 11-10 đến 13-10, trong không khí ảm đạm. Quốc kỳ được treo rủ trên khắp đất nước và một câu hỏi đặt ra là ai đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công như thế.
Những giọt nước mắt rơi trên những gương mặt u buồn, có cả sự tức giận khi hàng ngàn người với các khẩu hiệu chống chính phủ tập trung ở trung tâm thủ đô Ankara, gần hiện trường hai vụ đánh bom. Họ còn tập trung bên ngoài bệnh viện, nơi có 246 người bị thương đang được điều trị. Những người tham gia tuần hành cáo buộc chính phủ liên quan đến vụ việc này, cụ thể là “bắt tay” với những kẻ tấn công để chống lại các nhà hoạt động người Kurd. Ankara hiện vẫn bị bủa vây bởi xung đột giữa lực lượng nhà nước và các chiến binh người Kurd.
Hai vụ nổ đã xảy ra gần ga tàu hỏa chính ở Ankara, vụ thứ nhất trước cửa nhà ga và vụ thứ hai ở bên trong nhà ga, khiến cơ sở này bị hư hỏng nghiêm trọng. Vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sốc đối với người dân nước này, đồng thời cảnh báo sự bất ổn sẽ tiếp diễn. Điều đáng nói là chỉ còn 3 tuần nữa Ankara sẽ tiến hành bầu cử sớm để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài.
Đảng Dân chủ Nhân dân thân người Kurd (HDP), một trong những nhóm kêu gọi tuần hành hòa bình, cho rằng số người chết lên đến 128 người. Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm, chưa có ai bị các nhà chức trách bắt giữ nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho rằng, thủ phạm có thể là các phiến quân người Kurd hoặc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Trong khi đó, theo các chuyên gia chống khủng bố, vụ việc lần này tương tự vụ xảy ra ở huyện Suruc, gần biên giới Syria, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, do IS thực hiện hồi tháng 7 vừa qua, làm 30 người chết. Chính phủ của Thủ tướng Davutoglu bác bỏ mọi liên quan và tiến hành điều tra để xác định thủ phạm cũng như nhận dạng nạn nhân.
Dựa vào phân tích các thi thể tại hiện trường và dấu vân tay, một trong những nghi phạm được cho là một người thanh niên khoảng 25-30 tuổi nhưng chưa có thông tin chi tiết.
Theo các nhà quan sát, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Ahmet Davutoglu đối mặt với thách thức lớn khi quốc gia thành viên NATO này đang tăng cường các hoạt động chiến đấu tại vùng biên giới với Syria nhằm chống IS và chống các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq.
Hơn nữa, trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với bất ổn chính trị bởi Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền (AKP) thất bại trong cuộc bầu cử và các cuộc đàm phán để thành lập liên minh chính phủ cũng không mang lại hiệu quả. Vì vậy, vụ tấn công được cho là nhằm phá hoại cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 1-11 tới. Song, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ khẳng định bầu cử vẫn diễn ra đúng kế hoạch.
Tổng thống Erdogan mô tả sự kiện ngày 10-10 là “vụ tấn công ghê tởm”, là “vụ tấn công tàn ác” nhằm vào tinh thần đoàn kết và hòa bình ở quốc gia Trung Đông này. Ông hoãn chuyến công cán đến Turkmenistan nhưng nhà lãnh đạo này vẫn chưa có phát biểu công khai về vụ việc.
Nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ có bài viết mang tựa đề “Một vụ đánh bom đã dội vào trái tim của chúng ta”. Bài báo viết rằng, công chúng đang chờ đợi tìm ra ai đứng sau vụ việc. Giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Học viện Washington (Mỹ) Soner Cagaptay gọi vụ đánh bom là vụ 11-9 ở Thổ Nhĩ Kỳ, hàm ý đề cập việc Al-Qaeda tấn công khủng bố ở nước Mỹ vào ngày 11-9-2001, bởi xảy ra trung tâm thủ đô Ankara và cướp đi sinh mạng của quá nhiều người.
Dù giáp giới với vùng Trung Đông hỗn độn nhưng Thổ Nhĩ Kỳ có nền kinh tế sôi động. Bạo lực ở mức độ như thế là điều chưa có trong nền chính trị hiện đại của đất nước này. Với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đây quả thật là cú sốc lớn, có thể làm họ lo sợ trước những mối đe dọa trong tương lai: khủng bố, khủng hoảng chính trị không sớm được giải quyết, tiến trình hòa bình với người Kurd bị bỏ ngỏ…
VĨNH AN