Quốc tế

TPP mang lại sự thịnh vượng

07:33, 07/10/2015 (GMT+7)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra một thế kỷ mới cho châu Á. “Một khu vực kinh tế khổng lồ sẽ xuất hiện. TPP sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên thịnh vượng hơn”, ông Abe nói.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các bộ trưởng 12 nước thông qua vào tối 5-10 (giờ Việt Nam) được cho là sẽ làm thay đổi khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các bộ trưởng 12 nước thông qua vào tối 5-10 (giờ Việt Nam) được cho là sẽ làm thay đổi khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

12 nước tham gia đàm phán TPP, bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. 3 nút thắt chính còn lại đã được giải quyết trong những ngày đàm phán tại Atlanta (Mỹ), bao gồm: dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ô-tô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ; Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand; thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.

Thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử

Ngày 6-10, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã đánh giá cao việc hoàn tất TPP sau hơn 5 năm đàm phán căng thẳng, gọi đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử. Tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, thỏa thuận mở ra một thế kỷ mới cho châu Á, đóng góp lớn vào an ninh của nước ông và sự ổn định của châu Á - Thái Bình Dương. Song, người đứng đầu chính phủ Nhật nói thêm rằng, thỏa thuận sẽ mang ý nghĩa chiến lược nếu có sự tham gia của Trung Quốc trong tương lai bởi Bắc Kinh hiện vẫn đứng ngoài TPP.

Tại Ottawa, Thủ tướng Canada Stephen Harper hoan nghênh kết quả đàm phán của các bộ trưởng 12 nước và TPP là thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử, đồng thời vượt quá sự mong đợi của ông. Ông Harper cho rằng, việc tiến vào thị trường Nhật Bản rộng lớn sẽ mang lại lợi ích cho nông dân Canada và các ngành khác.

Trong 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Canada sẽ mở cửa thị trường sữa, trứng, thịt gà, bò, lợn, cừu, hải sản, gỗ xẻ và hàng công nghiệp cho 11 nước khác trong TPP. Ngoài ra, Canada sẽ dỡ bỏ mức thuế 6,1% đối với ô-tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong TPP, giảm quy định về tỷ lệ xuất xứ sản phẩm từ 62,5% còn 45% đối với ô-tô sản xuất nguyên chiếc trong nước và 40% đối với các mặt hàng phụ tùng ô-tô. TPP cũng sẽ trở thành nội dung chính trong cuộc bầu cử vào ngày 19-10 ở Canada.

Nhiều việc làm, thu nhập cao hơn và mức sống tốt hơn

Trong khi đó, theo AFP, tại Canberra, Thủ tướng Úc Malcolm Turbull mô tả TPP là “cơ hội khổng lồ” đối với các doanh nghiệp, nông dân cũng như nhà sản xuất… tại châu Á - Thái Bình Dương. “Một thỏa thuận như vậy sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả chúng ta. Đây là hòn đá tảng khổng lồ của một tương lai thịnh vượng”, ông Turnbull nói.

Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb cho rằng, TPP sẽ làm nền kinh tế của quốc gia này thêm cạnh trạnh, tạo ra việc làm và thúc đẩy tiêu chuẩn sống. Theo đó, không những Canberra thúc đẩy thương mại với đối tác chính là Mỹ, mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường mới ở Việt Nam, Malaysia, Chile và Canana.

Với Mexico, Bộ trưởng Kinh tế Guajardo Villarreal cho rằng, TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho nền kinh tế thứ hai Mỹ Latinh trong lĩnh vực sản xuất liên quan 6 thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Úc, Brunei, Malasia, New Zealand, Singapore và Việt Nam).

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng hài lòng và nhận định nước ông sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tại những nền kinh tế lớn ở châu Á - Thái Bình Dương; các nhà đầu tư sẽ có một “sân chơi” rộng với mức độ mở cửa nhiều hơn. Thủ tướng New Zealand cho rằng, việc đạt được hiệp định TPP có nghĩa là “nhiều việc làm, thu nhập cao hơn và mức sống tốt hơn”.

Thắng lợi của Mỹ và Nhật Bản

Các nhà phân tích gọi việc hoàn tất đàm phán hiệp định thế kỷ TPP là thắng lợi định hình “di sản” của Tổng thống Mỹ Barack Obama và là thắng lợi chính trị của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. TPP giữ vai trò trung tâm trong chính sách kinh tế của ông Obama trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, là cột trụ về kinh tế trong chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính phủ, giúp Washington thắt chặt vị thế ở châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ với các nước khu vực.

Tổng thống Obama đã hoan nghênh TPP và cho rằng, hiệp định “phản ánh các giá trị của Mỹ” và “đưa người Mỹ lên vị trí đầu tiên”. Cường quốc hàng đầu này sẽ xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm “made in America” ra khắp thế giới, cân bằng “sân chơi” cho người lao động và cho doanh nghiệp Mỹ. Quốc hội Mỹ sẽ có 90 ngày để xem xét hiệp định trước khi bỏ phiếu. Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng, ông sẽ làm việc với các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để vượt qua “rào cản” tại Quốc hội. AP cho biết, cuộc bỏ phiếu tại Đồi Capitol có thể được tiến hành vào đầu năm 2016.

Đối với Nhật Bản, TPP là một nhân tố chủ chốt trong “mũi tên thứ ba” của chương trình cải cách kinh tế mà Thủ tướng Abe thực hiện kể từ khi ông nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2012. Tokyo xem TPP là chìa khó để đạt các mục tiêu về kinh tế và an ninh trong lúc Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng ở khu vực.

Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), những nước không tham gia TPP sẽ chịu thiệt hại do giao thương chuyển hướng. Theo đó, xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm 1,2% vì đứng ngoài TPP. Bắc Kinh cũng hoan nghênh việc các nước hoàn tất TPP nhưng không khẳng định có tham gia hay không.

PHÚC NGUYÊN

.