Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, quân đội nước này sẽ thực hiện “tất cả các giải pháp cần thiết” để đáp trả bất kỳ “sự xâm nhập” nào của hải quân Mỹ trong tương lai ở quanh các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Tàu USS Lassen đã tiến gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên Biển Đông. Ảnh: AP |
Ngày 29-10, Trung Quốc tiếp tục dọa sẽ đáp trả Mỹ sau khi Washington đưa tàu khu trục tên lửa USS Lassen vào vùng 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun khẳng định quân đội của cường quốc châu Á này sẽ thực hiện “tất cả giải pháp cần thiết” để đáp trả bất kỳ “sự xâm nhập” nào của hải quân Mỹ trong tương lai.
Ông Yang Yujun lặp lại tuyên bố của Trung Quốc rằng, tàu USS Lassen đã vi phạm “chủ quyền của Trung Quốc” và luật quốc tế (!?). “Chúng tôi thúc giục phía Mỹ không tiếp tục con đường sai trái… Nhưng nếu họ làm như vậy, chúng tôi sẽ thực hiện tất cả giải pháp cần thiết”, ông Yang Yujun nói.
Song, người phát ngôn này không đề cập chi tiết về tuyên bố của Trung Quốc và cũng không cho biết Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào trong tương lai.
Hãng AP một lần nữa xác nhận phía Trung Quốc không có hành động ngay lập tức khi tàu USS Lassen hiện diện gần bãi cạn Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép.
Cũng trong ngày 29-10, Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson hội đàm trực tuyến trong một tiếng đồng hồ với người đồng cấp Trung Quốc Ngô Thắng Lợi, bàn thảo về sự tự do đi lại, các hoạt động gần đây trên Biển Đông và quan hệ giữa hải quân hai nước. Song, theo Reuters, chỉ huy hải quân hai nước không bàn về quy tắc ứng xử của tàu và máy bay khi chạm mặt nhau trên biển.
Trong khi đó, tờ China Daily cho hay, đô đốc Harry Harris, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới. Ông Harris là người chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc bồi lấp đảo trái phép trên Biển Đông.
Chuyên gia về hải quân tại khoa Khoa học chính trị và Luật (Đại học Thượng Hải) Ni Lexiong cho rằng, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không muốn xảy ra xung đột quân sự nhưng vấn đề then chốt là lợi ích cốt lõi của cả hai nước đang xung đột trên Biển Đông. Cũng theo chuyên gia này, sẽ khó thấy bên nào lùi bước.
Tuy nhiên, lực lượng hải quân nước ngoài, từ Mỹ đến châu Âu, vẫn tìm cách xây dựng quan hệ với hải quân Trung Quốc. Ngày 28-10 vừa qua, một tàu khu trục nhỏ của Pháp đã cập cảng tại tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, trong chuyến thăm 4 ngày. Đồng thời, tàu này sẽ tham gia tập trận hải quân để ứng phó với các vụ việc trên biển. Hai tàu chiến của Úc HMAS Arunta và HMAS Stuart cũng sẽ tập trận chung với hải quân Trung Quốc trên Biển Đông vào ngày 27-10, trong đó bao gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật.
Là đồng minh then chốt của Mỹ ở khu vực, Úc bày tỏ sự ủng hộ Washington trong việc thực hiện quyền tự do hàng hải. Nhật Bản cũng lên tiếng ủng hộ Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi động thái của Washington là “hành động phù hợp với luật pháp quốc tế”. Theo đó, Tokyo sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các đại dương rộng mở, tự do và hòa bình.
Về phía Đức, trong chuyến thăm Bắc Kinh ngày 29-10, Thủ tướng Angela Merkel quan ngại về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc. Bà Merkel đề nghị Trung Quốc ra các tòa án quốc tế để giải quyết căng thẳng này. “Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là xung đột nghiêm trọng. Tôi ngạc nhiên vì sao trong trường hợp này, các tòa án quốc tế không đưa ra một giải pháp”, bà Merkel phát biểu, đồng thời bày tỏ mong muốn các tuyến thương mại trên biển đều tự do và an toàn.
PHÚC NGUYÊN