.

Anh "bắt tay" Pháp để chống IS

.

Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định Paris và London phải phối hợp cùng nhau để chấm dứt mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) nói rằng, ông ủng hộ Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc chiến chống IS.          Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) nói rằng, ông ủng hộ Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: AFP

Có mặt tại Paris vào ngày 23-11, Thủ tướng Anh David Cameron cam kết “bắt tay” với Pháp để chống khủng bố và sẽ cho lực lượng Không quân Hoàng gia không kích các mục tiêu IS tại Syria. Ông Cameron còn muốn Pháp sử dụng căn cứ không quân Akrotiri của Anh ở đảo Cyrus trong các cuộc tấn công chống IS.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Cameron khẳng định: Nước ông sẽ làm tất cả để ủng hộ Paris chống IS sau các vụ tấn công khủng bố ở Paris vào đêm 13-12, mà thủ phạm là các chiến binh Hồi giáo cực đoan này. “Chúng tôi đã bày tỏ quyết tâm vững chắc của mình và sẽ cùng nhau đập tan mối đe dọa độc ác đó”, ông Cameron nói.

Tuy nhiên, điều mà ông Cameron lo ngại là Quốc hội Anh có thể bác bỏ kế hoạch không kích ở Syria. Trước đó, nhà lãnh đạo Anh thừa nhận rằng, ông muốn thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ giải pháp tham gia liên minh với Pháp sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép các nước áp dụng mọi biện pháp cần thiết chống IS. Hai năm trước, ông Cameron từng thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội nên không thể tiến hành các cuộc tấn công chống lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Vì vậy, theo Reuters, không có gì chắc chắn để ông giành chiến thắng nếu tiếp tục bỏ phiếu để quân đội tham chiến tại Damascus.

Nước Anh hiện tham gia không kích chống IS ở Iraq. Và để Quốc hội “bật đèn xanh” trong việc mở rộng chiến dịch không kích tại Syria, Thủ tướng Cameron cần sự hậu thuẫn của Công đảng đối lập trước khi tiến hành bỏ phiếu. Mặc dù một số nghị sĩ Công đảng bày tỏ ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng nhưng lãnh đạo của họ, ông Jeremy Corbyn, vẫn kiên quyết phản đối. Ông kêu gọi nỗ lực tìm ra một giải pháp chính trị ở Syria hơn là can thiệp vào tình hình nước này.

“Tôi cho rằng, chiến dịch ném bom sẽ không thật sự giải quyết được bất kỳ vấn đề gì mà nó có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn”, ông Corbyn nói. Những người chỉ trích cho rằng, một kế hoạch hòa bình mở rộng ở Syria là cần thiết hơn việc ném bom. Song, theo Thủ tướng Cameron, các cuộc không kích dù được tiến hành thì vẫn chưa đủ.

Ông Cameron sẽ nêu vấn đề trước Quốc hội và các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu trước lễ Giáng sinh, cụ thể là sẽ đề cập kế hoạch an ninh và quốc phòng chiến lược 5 năm. Reuters cho biết, Anh sẽ chi thêm 12 tỷ bảng Anh (18,2 tỷ USD) để tăng cường sức mạnh quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cũng cho rằng, khả năng quân sự của nước ông, như sử dụng hỏa tiễn Brimstone, sẽ là một đóng góp quan trọng cho cuộc chiến quốc tế chống chủ nghĩa cực đoan.

Trong khi đó, tại Pháp, hầu hết người dân ủng hộ các biện pháp an ninh của chính phủ. Cảnh sát trưởng Michel Cadot nói rằng, sau loạt vụ khủng bố đẫm máu vào đêm 13-11, lực lượng an ninh Pháp đã triển khai 298 cuộc tuần tra ở Paris, với sự hiện diện của 10.200 nhân viên cảnh sát và 6.400 binh sĩ, tập trung các nhà ga, sân bay, các khu vực công cộng, bệnh viện… “Chúng tôi thấy nhiều thông điệp từ Daesh (IS) được phát trên Internet và rõ ràng là nhằm vào Pháp”, ông Cadot nói.

Vụ tấn công mà Paris vừa trải qua được cho là gây tổn hại đến nền kinh tế và du lịch của Pháp. Theo AP, các quan chức hàng đầu về du lịch của quốc gia châu Âu này đã nhóm họp vào ngày 23-11 tại Paris, một trong những thành phố thu hút du khách nhiều nhất trên thế giới. Đại diện các đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các công ty du lịch đã đề ra kế hoạch hành động ngắn hạn để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch của nước này.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.