Cảnh sát Pháp ngày 22-11 đã thả 7 trong số 8 người bị bắt trong vụ đột kích ở Saint Denis ngày 18-11 nhằm truy tìm kẻ đứng đằng sau vụ tấn công Paris.
Theo Reuters, cảnh sát Pháp cho biết, tên Abdelhamid Abaaoud, 28 tuổi, một chiến binh của IS và một người phụ nữ được cho là họ hàng của hắn cùng một người nữa hiện chưa rõ danh tính đã thiệt mạng trong vụ đột kích nói trên.
Cảnh sát Pháp chuẩn bị đột kích vào căn hộ được cho là nơi tên Abaaoud ẩn náu. Ảnh Reuters |
Hé lộ hành tung của tên Abdelhamid Abaaoud - kẻ chủ mưu vụ tấn công Paris
Ngoài ra, cảnh sát Pháp cũng bắt giữ 8 người để thẩm vấn, trong đó có 5 người sống trong tòa nhà có căn hộ mà họ đột kích ở ngoại ô Saint Denis và 3 người ở bên ngoài tòa nhà, bao gồm một người đàn ông được cho là chủ tòa nhà, hiện vẫn đang bị cảnh sát giữ lại.
Một nguồn tin cho hay, 5 người bên trong tòa nhà được thả vì cảnh sát cho rằng, họ chỉ là những người vô gia cư không có giấy tờ tùy thân hợp lệ. Trong khi đó, 2 người ở bên ngoài được thả là một người đàn ông và một phụ nữ.
Các nhà điều tra Pháp tin rằng, tên Abaaoud, người Moroccan mang quốc tịch Bỉ từng tham chiến cùng IS tại Syria, là chủ mưu vụ tấn công ở Paris.
Trước đó, chính phủ các nước châu Âu vẫn tin rằng, hắn vẫn ở Syria cho đến khi tình báo Morocco thông báo hắn đã có mặt tại Pháp tại thời điểm vụ tấn công khủng bố ở Paris diễn ra.
Tên Abaaoud đã xuất hiện trong một đoạn video do camera an ninh ở phía Đông Paris ghi lại sau khi hắn có mặt trong các vụ tấn công. Hắn lái một chiếc Seat Leon màu đen tới một nhà ga tàu điện ngầm và bỏ chiếc xe này lại. Trên xe có 3 khẩu AK47, 5 băng đạn còn đầy và 11 băng đã hết đạn.
Các nhân viên diều tra Pháp ngày 21/11 cho biết, dấu vân tay của hắn xuất hiện trọng số vũ khí nói trên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ hắn trực tiếp bắn súng hay chỉ giao súng cho những tên khác thực hiện vụ này. Ngoài ra, trên một khẩu AK còn có dấu vân tay của tên Brahim Abdeslam, kẻ thực hiện đánh bom tự sát bên ngoài một quán cafe.
Chân dung kẻ chủ mưu vụ tấn công Paris Abaaoud. Ảnh Reuters |
Nữ khủng bố đánh bom tự sát không tham gia vụ tấn công Paris?
Cảnh sát Pháp cho biết, họ lần ra căn hộ nơi tên Abaaoud ẩn náu tại Saint Denis là nhờ theo dấu Hasna Aitboulahcen qua việc nghe lén điện thoại của ả khi ả dính líu đến một vụ buôn bán ma túy đang bị điều tra.
Cũng theo cảnh sát Pháp, ả đã tự cho nổ quả bom quấn quanh người khi bị cảnh sát bao vây căn hộ nói trên.
Truyền thông Pháp ngày 21/11 đưa tin, Aitboulahcen có thể không liên quan gì đến âm mưu tấn công khủng bố ở Paris mà chỉ được tên Abaaoud nhờ tìm một nơi trú ẩn cho hắn.
Các nhà điều tra hiện đang tìm cách xác minh danh tính của kể thứ 3 trốn trong căn hộ nói trên cùng 2 gã đàn ông được cho là đến Hy Lạp hồi tháng 10 vừa qua và thực hiện vụ đánh bom tự sát bên ngoài sân vận động Stade France nơi Pháp và Đức đang đấu giao hữu.
Chân dung Hasna Aitboulahcen, kẻ được xác nhận là không có liên quan trực tiếp đến vụ tấn công khủng bố ở Paris. Ảnh AFP |
Ngoài ra, cảnh sát châu Âu cũng đang truy đuổi tên Salah Abdeslam, kẻ được cho là đã trốn từ Pháp sang Bỉ trên một chiếc VW Golf sau vụ tấn công nói trên. Xe của tên này đã 3 lần bị cảnh sát Pháp chặn lại nhưng rồi họ lại thả hắn đi.
An ninh tại Pháp vẫn “căng như dây đàn”
Sau vụ khủng bố tại Paris, cảnh sát Pháp đã liên tục tiến hành các vụ đột kích bất chợt vào ban đêm trên khắp cả nước.
Giới chức Sens, cách Paris khoảng 130km ngày 20-11 đã tuyên bố áp đặt lệnh giới nghiêm từ lúc 22h đêm đến 6h sáng hôm sau. Đây là lệnh giới nghiêm đầu tiên tại Pháp kể từ khi nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau vụ tấn công ở Paris.
Lệnh giới nghiêm kéo dài trong 3 ngày này được đưa ra trong bối cảnh cảnh sát tại đây phán hiện nhiều vũ khí cùng giấy tờ giả trong khi tiến hành các vụ đột kích bên trong thị trấn.
Trong khi đó, sau khi tình trạng khẩn cấp được thiết lập trên toàn nước Pháp, giới chức Paris đã cấm mọi hành vi biểu tình tại thủ đô kéo dài đến ngày 30-11.
Một cuộc thăm dò ngày 21-11 cho thấy, uy tín của Tổng thống Pháp Francois Hollande, người được cho là ít nhận được sự ủng hộ nhất của người dân Pháp trong số các Tổng thống nước này kể từ giai đoạn Đệ Ngũ Cộng hòa năm 1958, đã tăng thêm được 8 điểm sau vụ tấn công ở Paris.
Theo đó, 33% người được hỏi cho biết, họ ủng hộ ông Hollande, đây là mức cao nhất mà ông nhận được kể từ ngày 14-1, sau vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí biếm họa Charlie Hebdo.
Theo VOV