.

Châu Âu muốn "lục địa đen" ngăn người di cư

.

Tại hội nghị thượng đỉnh với châu Phi ở Malta ngày 12-11, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất quỹ 1,8 tỷ euro (1,9 tỷ USD) nhằm hỗ trợ “lục địa đen” ngăn chặn dòng người di cư đang ồ ạt sang châu Âu. Động thái này được kỳ vọng sẽ giải quyết gốc rễ làn sóng di cư sang châu Âu.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya kéo một tàu chở những người di cư từ châu Phi vào bờ.  								Ảnh: AFP
Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya kéo một tàu chở những người di cư từ châu Phi vào bờ. Ảnh: AFP

Theo Ủy ban châu Âu (EC), đã có 25/28 thành viên EU và 2 quốc gia ngoài EU là Na Uy và Thụy Sĩ cam kết khoảng 78,2 triệu euro cho quỹ hỗ trợ châu Phi, được gọi là “Quỹ ủy thác khẩn cấp cho châu Phi”. Con số này vẫn còn cách khá xa với mục tiêu 1,8 tỷ euro mà Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker kêu gọi. Vì vậy, các quan chức EU vẫn tiếp tục đón nhận thêm các cam kết, chứ không gói gọn trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi.

Song, EU vẫn thừa nhận sẽ rất khó có thể đạt được mục tiêu ngân sách đó. Còn Tổng thống Senegal Macky Sall, người đứng đầu Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi, cho rằng 1,8 tỷ euro vẫn chưa đủ để “lục địa đen” bình ổn và phát triển, đồng thời thúc giục sử dụng linh hoạt nguồn quỹ này.  

Giải quyết gốc rễ của tình trạng di cư

Hãng AFP cho biết, quỹ nói trên được lập nhằm giải quyết gốc rễ các vấn đề dẫn đến việc di cư, bao gồm nghèo đói và bạo lực. Theo đó, nguồn quỹ này sẽ giúp tạo ra việc làm, tăng cường những nỗ lực ngoại giao để giảm hoặc kết thúc các cuộc xung đột vũ trang ở nhiều vùng của châu Phi. Đổi lại, EU hy vọng một kế hoạch hành động gồm 5 điểm được liên minh 28 nước và châu Phi ký kết vào tối 12-11 sẽ thúc đẩy sự hợp tác để đưa những người di cư bất hợp pháp trở về nước, đồng thời đấu tranh với nạn buôn người.

Ông Juncker cho rằng, “Quỹ ủy thác khẩn cấp cho châu Phi” đã được lập với “tốc độ kỷ lục”, qua đó cho thấy cam kết của EU trong việc đối phó với những thách thức lớn.

Hội nghị thượng đỉnh giữa liên minh của “lục địa già” và “lục địa đen” diễn ra sau khi gần 800 người thiệt mạng hồi tháng 4 vừa qua trong tai nạn chìm tàu ở vùng biển phía nam Malta. Gần 800.000 người nhập cư đã đến châu Âu trong năm nay, chỉ 1/4 trong đó tới từ châu Phi.

Cụ thể, theo BBC, trong năm nay, khoảng 150.000 người từ các nước châu Phi như Eritrea, Nigeria và Somalia đã băng qua Địa Trung Hải. Nhưng thế giới chú ý đến con số lớn hơn- số lượng người di cư đông đảo (lên đến 650.000 người), chủ yếu là người Syria, thông qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để đến các nước châu Âu giàu có.  

Thụy Điển kiểm soát biên giới

Theo AFP, với động thái mạnh tay hơn, Thụy Điển trở thành quốc gia mới nhất trong khối miễn hộ chiếu Schengen của châu Âu chính thức siết chặt quản lý biên giới trong 10 ngày để giải quyết tình trạng người nhập cư ồ ạt đổ vào nước này. Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Anders Ygeman cho biết: “Lượng người nhập cư kỷ lục đã đổ tới Thụy Điển. Cơ quan quản lý nhập cư đang phải gánh chịu áp lực rất lớn… và lực lượng cảnh sát cho rằng nguy cơ an ninh đang đe dọa trật tự xã hội”.

Mikael Hvinlund, Giám đốc truyền thông của văn phòng nhập cư Thụy Điển cho biết, 80.000 người nhập cư đã đến Thụy Điển trong tháng 9 vừa qua. Đây là số lượng gần bằng cả năm 2014.

Thụy Điển cũng đã tiếp nhận số người tị nạn nhiều hơn so với mức quy định căn cứ theo tỷ lệ dân số nước này mà EU đặt ra. Dự kiến năm 2015, quốc gia này sẽ tiếp nhận 190.000 người nhập cư. Ông Hvinlund nói: “Mọi người đang buộc phải ngủ trong các lều trại, trong các văn phòng và trong các trại sơ tán vốn thường chỉ dùng khi xảy ra thiên tai. Chúng tôi hiện không thể hoàn thành sứ mệnh của mình là cung cấp cho mọi người một mái nhà… Việc thiết lập lại việc kiểm soát biên giới sẽ giúp chúng tôi giải quyết vấn đề này”.

Những giải pháp tình thế

Ngày 12-11, chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) ra mắt ứng dụng phần mềm trên điện thoại di động kêu gọi mọi người quyên góp tiền gây quỹ cứu trợ lương thực cho 4 triệu người Syria đang tá túc tại các quốc gia láng giềng.

Theo Reuters, phần mềm “Share the meal” (Chia sẻ bữa ăn) do một công ty công nghệ ở Đức phát triển là ứng dụng đầu tiên cung cấp tính năng chia sẻ kiểu này. Trước mắt, phần mềm sẽ kêu gọi người dùng đóng góp tiền trực tiếp cho các sáng kiến cứu trợ lương thực của WFP tại Jordan, quốc gia có nhiều người tị nạn Syria lưu trú hơn cả.

Ứng dụng chạy trên iPhone và các thiết bị dùng nền tảng Android khác. Người dùng có thể tùy chọn ủng hộ 0,50 USD cho lượng thực phẩm một ngày hay mức 150 USD/năm. Toàn bộ số tiền thu được sẽ chuyển trực tiếp cho các dự án hỗ trợ thực phẩm nhân đạo cho trường học của WFP.

Theo LHQ, với những giải pháp dù chỉ mang tính tình thế như thế này, nhưng các tổ chức thực hiện vẫn hy vọng sẽ góp phần làm người tị nạn yên tâm hơn với cuộc sống tạm thời, “giữ chân” họ lại trước khi liều mình theo những chuyến tàu vượt biên “mười phần chết, một phần sống” tới châu Âu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.