.

Hợp tác toàn cầu chống khủng bố

.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC được đưa ra vào ngày 19-11 nhấn mạnh sự cấp thiết gia tăng hợp tác và đoàn kết quốc tế để chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh về sự cấp thiết phải hợp tác và đoàn kết quốc tế trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố.                                      Ảnh: AFP
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh về sự cấp thiết phải hợp tác và đoàn kết quốc tế trước mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố. Ảnh: AFP

Các vụ khủng bố xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện, trở thành một trong những chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC tại thủ đô Manila của Philippines.

Động thái hiếm hoi của APEC

Trong tuyên bố chung vào ngày 19-11, các nhà lãnh đạo APEC chỉ trích mạnh mẽ “tất cả hành động, phương pháp và thực tiễn của chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện”; đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết gia tăng hợp tác và đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Tuyên bố cũng đề cập các vụ tấn công ở Beirut (Lebanon), vụ đánh bom máy bay Nga trên không phận bán đảo Sinai (Ai Cập), với thủ phạm là IS. Song, theo Reuters, việc APEC kêu gọi chống khủng bố là động thái hiếm hoi của một diễn đàn thường bàn về các vấn đề kinh tế và thương mại.

Tuyên bố cũng đề cập mối liên kết quan trọng giữa việc thiếu các cơ hội kinh tế với chủ nghĩa khủng bố. “Tăng trưởng kinh tế, sự thịnh vượng và cơ hội là 3 trong số những công cụ mạnh mẽ nhất để giải quyết gốc rễ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan”, tuyên bố nêu.

Phát biểu bên lề Hội nghị APEC ngày 19-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, Nga và Iran đã công nhận IS là “mối đe dọa nghiêm trọng” nhưng những nỗ lực của Mátxcơva ở Syria nhằm ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, trong cuộc chiến chống IS ở Syria, tương lai của ông Assad vẫn là vấn đề tạo sự khác biệt lớn đối với các bên liên quan. Ông Obama cho rằng, cuộc nội chiến tại Syria sẽ không thể chấm dứt nếu ông Assad còn nắm quyền. Trong khi đó, Nga vẫn giữ quan điểm ủng hộ đồng minh Syria.

Thêm vụ hành quyết man rợ

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên án vụ IS hành quyết con tin của nước ông và khẳng định: “Chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của con người”. Thông tin về vụ hành quyết man rợ con tin Trung Quốc Fan Jinghui (50 tuổi) cùng con tin Na Uy Ole-Johan Grimsgaard-Ofstad (48 tuổi) đến với ông Tập Cận Bình khi nhà lãnh đạo này đang có mặt tại Manila và khi các cuộc không kích của Pháp, Nga ở Syria đã tiêu diệt ít nhất 33 phần tử thánh chiến. Tạp chí tiếng Anh Daqib của IS đã công bố các bức ảnh đẫm máu chụp thi thể của 2 con tin, bên dưới các bức ảnh viết: “Bị hành quyết sau khi bị các quốc gia và tổ chức vô đạo bỏ rơi”. Chưa rõ hai con tin bị sát hại ở đâu và lúc nào, song các bức ảnh cho thấy đầu của họ có vết đạn.

Trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này xác nhận cái chết “vô nhân đạo” của Fan Jinghui, gọi đây là hành vi man rợ và cam kết đưa những kẻ giết người ra trước công lý. “Tổ chức khủng bố không quan tâm phẩm giá con người và vô đạo đức. Chính phủ Trung Quốc phản đối mạnh mẽ sự thú tính này. Chúng ta phải đưa bọn tội phạm ra trước công lý”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói.

Chưa rõ vì sao Fan Jinghui lại đến Trung Đông và bị bắt cóc ở Iraq, Syria hay nơi nào khác, trong khi hầu hết công dân Trung Quốc đã rời Syria trong suốt hơn 4 năm nội chiến.

Song, giới quan sát cho rằng, đáp trả như thế nào đối với cái chết của Fan Jinghui là điều khó với Trung Quốc, khi nước này hiện đứng bên lề cuộc chiến chống IS.

Đông Nam Á lo ngại an ninh ở khu vực

Một vấn đề đặt ra là Indonesia, Malaysia, Singapore lo ngại công dân các quốc gia này đang chiến đấu cho IS sẽ trở về nước và tiến hành tấn công ngay trên quê nhà. Phó Thủ tướng Malaysia Zahid Hamidi cho rằng, các vụ tấn công ở Paris có thể châm ngòi cho những vụ việc tương tự ở khu vực Đông Nam Á. Tại Manila ngày 19-11, Malaysia và Mỹ đã ký kết thỏa thuận thúc đẩy hợp tác chống khủng bố. Theo đó, Malaysia có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu của Mỹ, nơi có chứa 1,2 triệu dấu vân tay của những đối tượng tình nghi khủng bố, để ngăn chặn những đối tượng này tiến vào Kuala Lumpur hoặc sử dụng quốc gia Đông Nam Á này là nơi trung chuyển.

Thực tế, trong 2 năm qua, giới chức Malaysia đã bắt giữ khoảng 150 nghi phạm ủng hộ IS. Trong đó, một số người bị cáo buộc âm mưu thực hiện các vụ tấn công ở đất nước này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.