Pháp đã đưa ra đề nghị chưa từng có đối với các đồng minh Liên minh châu Âu (EU): Hỗ trợ các hành động quân sự của Paris trong việc chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu cùng Cao ủy về chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini tại Brussels khi kêu gọi các nước đồng minh ủng hộ chiến dịch quân sự của Paris. Ảnh: AP |
Hãng AFP cho biết, Pháp đã viện dẫn một điều khoản chưa từng được sử dụng trong Hiệp ước Lisbon năm 2009, theo đó các thành viên của EU phải “viện trợ và hỗ trợ bằng tất cả khả năng” khi một quốc gia thành viên là “nạn nhân của cuộc tấn công vũ trang trên lãnh thổ của nước này”.
Cao ủy về chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini xác nhận điều khoản 42-7 chưa từng được sử dụng trong lịch sử của khối. Song, phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, bà Mogherini nói rằng, các nước thành viên thống nhất bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ nhất và sẵn sàng trợ giúp khi cần thiết.
“Chúng ta sẽ chấm dứt nạn Daesh (IS)”
Ngoại trưởng Le Drian gọi sự ủng hộ của EU là “hành động chính trị có ý nghĩa lớn”. Theo đó, Pháp và các nước đồng minh sẽ có các cuộc trao đổi song phương để xác định Paris cần trợ giúp những gì. Ông Le Drian nói rằng, các đồng minh EU có thể giúp sức bằng việc tham gia các hoạt động của Pháp tại Syria hoặc Iraq, hoặc hỗ trợ Pháp trong các hoạt động khác.
Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande thề sẽ đánh bại các chiến binh thánh chiến ở trong nước và nước ngoài sau khi Paris hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công làm 132 người chết. Theo nhà lãnh đạo này, cộng đồng quốc tế, do Mỹ và Nga dẫn đầu, phải vượt qua những chia rẽ sâu sắc xung quanh vấn đề Syria để tiêu diệt IS ngay trên căn cứ địa của chúng.
Tổng thống Hollande còn tuyên bố sẽ tăng thêm 5.000 binh sĩ trong lực lượng an ninh, bổ sung nhân viên tại các nhà giam lên 2.500 người và sẽ không cắt giảm chi tiêu quốc phòng trước năm 2019.
Trong một động thái thể hiện sự đoàn kết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đáp chuyến bay đến Pháp, gặp gỡ Tổng thống Hollande và Ngoại trưởng Laurent Fabius vào ngày 17-11. Tại Điện Elysée, ông Kerry nói rằng, vụ tấn công và thảm sát ở thủ đô Paris đêm 13-11, cùng với các vụ tấn công trong thời gian gần đây ở Ai Cập, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy rõ ràng áp lực khi đối mặt với các chiến binh Hồi giáo cực đoan. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cam kết chiến dịch chống IS sẽ thành công. “Chúng ta sẽ chấm dứt nạn Daesh (IS)”, ông nói.
IS đang được hơn 40 nước tài trợ
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn nguồn tin tình báo của nước ông cho biết, IS đang nhận được tiền tài trợ từ hơn 40 nước, trong đó có những nước thuộc nhóm G20. Theo báo International Business Times, có những nguồn tin cho rằng, các nhà tài trợ ở Kuwait, Qatar và Saudi Arabia đã hỗ trợ IS nhưng ông Putin không đề cập cụ thể quốc gia nào.
Tổng thống Putin nói: “Tôi đã chia sẻ với những đồng nghiệp của mình những bức ảnh chụp từ máy bay cho thấy quy mô khai thác xăng dầu bất hợp pháp rất lớn của tổ chức này (IS)”. Ông Putin nhấn mạnh, đây không phải là thời điểm thích hợp để suy đoán hoặc xác định nước nào chống IS hiệu quả hơn, mà vấn đề hiện nay là cần nỗ lực đoàn kết quốc tế để chống lại tổ chức khủng bố.
Hãng Reuters cho biết, ngày 17-11, Nga và Pháp đã tiến hành các cuộc không kích mới nhằm vào IS ở phía bắc Syria. Trong đợt không kích lần thứ hai theo lệnh của Tổng thống Hollande, các máy bay chiến đấu của Pháp đã phá hủy một trung tâm chỉ huy của IS và một trại huấn luyện chiến binh thánh chiến tại thành phố Raqqa. Nga cũng nhằm vào các mục tiêu cùng khu vực.
Về phía Mỹ, nước đang dẫn đầu liên minh quốc tế chống IS tại Iraq và Syria, Tổng thống Barack Obama bác bỏ khả năng có sự thay đổi trong chiến lược mà Washington đang theo đuổi. Ông Obama cho rằng, nếu Mỹ triển khai bộ binh để tác chiến chống IS thì đó sẽ là một sai lầm.
BÌNH YÊN