Quốc tế

THẾ GIỚI TUẦN QUA

Nga và Thổ "ăn miếng trả miếng"

07:44, 30/11/2015 (GMT+7)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước đó cảnh báo Nga đang “đùa với lửa”.

Chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) sẽ gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu ở Paris (Pháp) vào tuần này.  					                                         Ảnh: AP
Chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) sẽ gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu ở Paris (Pháp) vào tuần này. Ảnh: AP

Với những động thái “ăn miếng trả miếng” và “khẩu chiến”, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang xuống đến mức thấp nhất sau khi Ankara bắn rơi máy bay Su-24 của Mátxcơva vào ngày 24-11 vừa qua do cáo buộc chiến đấu cơ này “xâm phạm không phận”.

Vụ việc cũng làm phương Tây khó xử trong lúc muốn xây dựng một liên minh mới, cần có sự tham gia của Nga, để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria hiệu quả hơn so với liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Châu Âu đang rất cần sự hợp tác của Nga trong cuộc chiến chống IS, nhất là sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris của Pháp.

Sắc lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Vladimir Putin ký có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và công dân Nga “khỏi những hành động tội phạm và bất hợp pháp khác”.

Theo đó, sắc lệnh cấm các chuyến bay thuê giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ; chấm dứt việc miễn thị thực với Ankara; các công ty lữ hành và đại lý du lịch ngừng đưa công dân Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ; cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ; cấm người tuyển dụng tại Nga sử dụng công dân Thổ Nhĩ Kỳ, v.v…   

Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng, lệnh trừng phạt sẽ chỉ làm khủng hoảng giữa Mátxcơva và Ankara thêm nghiêm trọng. Hai nước đã thiết lập quan hệ thương mại đáng kể trong những năm gần đây và Nga là nhà cung cấp dầu khí lớn nhất cho đất nước Thổ Nhĩ Kỳ nghèo năng lượng.

Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu xuất khẩu thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp, may mặc sang Nga, đồng thời là một trong những điểm đến của người dân Nga vào các kỳ nghỉ. Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin, cho hay có khoảng 200.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt trên lãnh thổ của Nga.

Các nhà quan sát cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại sẽ làm cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại. Trong khi đó, theo các quan chức cấp cao của Nga, vụ bắn rơi máy bay - một trong những xung đột nghiêm trọng nhất giữa một thành viên NATO với Mátxcơva, là hành động khiêu khích có chủ đích và gọi những chứng cứ mà Ankara đưa ra về việc máy bay Nga xâm phạm không phận là “những bộ phim hoạt hình”.

Nga muốn Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải xin lỗi nhưng nhà lãnh đạo này từ chối và nói rằng, chính nước ông phải được xin lỗi vì không phận bị xâm phạm. “Ankara sẽ không bao giờ xin lỗi”, Tổng thống Erdogan nói. Song, ông nhấn mạnh: “Sự đối đầu sẽ không làm bất kỳ ai hạnh phúc. Nga quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng với Nga”.

Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những đòn “ăn miếng trả miếng” khi khuyến cáo công dân nước này không đến Nga nếu không cần thiết “cho đến khi tình hình rõ ràng hơn”. Bên cạnh đó, Ankara đề nghị một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Erdogan với Tổng thống Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Paris (Pháp) vào tuần này nhưng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc gặp như thế sẽ diễn ra.

Đến nay, vẫn chưa rõ ai xâm phạm không phận của ai và những diễn biến trong cuộc chiến địa chính trị này sẽ tiếp diễn như thế nào; “Nga đang đùa với lửa”, như cảnh báo của Thổ, hay chính Ankara đang “đùa với lửa” do những xung đột về lợi ích và những bất đồng xung quanh vấn đề Syria.

Theo các nhà quan sát, Nga đã tuyên bố không trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về mặt quân sự, nghĩa là Mátxcơva không muốn đẩy căng thẳng leo thang và tránh Thế chiến thứ ba. Hơn nữa, Nga không muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ bởi lúc đó sẽ khó tránh khỏi sự can dự của NATO.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng khẳng định: “Chúng tôi không có ý định gây chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuy nhiên, Nga không ngồi yên khi bị “đâm lén sau lưng” và khi Thổ Nhĩ Kỳ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng.

Ngày 29-11, phát biểu tại cuộc họp báo ở Ankara, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, thi thể của phi công Oleg Peshkov lái chiếc máy bay chiến đấu Su-24 bị bắn rơi đã được đưa đến tỉnh biên giới Hatay, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, và sẽ đưa về Nga theo yêu cầu của Mátxcơva. Một tùy viên quân sự Nga đến tỉnh Hatay và đưa thi thể viên phi công về nước.

VĨNH AN

.