.
THỔ NHĨ KỲ BẮN RƠI MÁY BAY NGA

Phương Tây kêu gọi giảm căng thẳng

.

Các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Mátxcơva và Ankara nhanh chóng giảm căng thẳng sau vụ máy bay chiến đấu Su-24 bị bắn rơi. Trong lúc đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ có “những hệ quả nghiêm trọng”.

Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố vào ngày 11-11-2015 cho thấy máy bay Su-24 tại căn cứ không quân Hmeymim, gần tỉnh Latakia, Syria.       Ảnh: Reuters
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố vào ngày 11-11-2015 cho thấy máy bay Su-24 tại căn cứ không quân Hmeymim, gần tỉnh Latakia, Syria. Ảnh: Reuters

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột, hủy hoại nghiêm trọng quan hệ giữa hai nước và làm chệch hướng những nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Syria. Ngày 25-11, sau cuộc họp khẩn cấp của NATO, Tổng Thư ký của khối, ông Jens Stoltenberg, thúc giục cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ bình tĩnh, đồng thời cho rằng ngoại giao và giảm căng thẳng là điều quan trọng để giải quyết tình hình trong lúc này.

Đứng về phía đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, Ankara có quyền bảo vệ không phận của mình. Song, ưu tiên hàng đầu của ông là bảo đảm căng thẳng không leo thang. Trong một cuộc điện đàm, người đứng đầu Nhà Trắng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thống nhất việc cần thiết giảm căng thẳng, ngăn những vụ việc tương tự xảy ra.

Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Erdogan phát biểu trên truyền hình ở thành phố Istanbul rằng, nước ông không muốn bất kỳ sự leo thang nào với Nga xung quanh vụ bắn rơi máy bay Su-24 nhưng ông thề luôn bảo vệ biên giới Thổ. “Không ai được yêu cầu chúng tôi phải giữ im lặng khi an ninh biên giới và chủ quyền bị xâm phạm”, ông Erdogan nói. Một ngày sau khi xảy ra vụ chiếc Su-24 bị các máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, Ankara vẫn khẳng định máy bay của Nga đã xâm phạm không phận. Tuy nhiên, phía Mátxcơva khăng khăng rằng, chiếc Su-24 không hề đi lạc khỏi bầu trời Syria.

Tổng thống Putin sẽ trút giận?

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: Chiếc Su-24 rơi trên lãnh thổ Syria, cách biên giới 4km và không đe dọa an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tức giận gọi việc bắn rơi máy bay là “hành động đâm lén sau lưng từ những kẻ đồng lõa với khủng bố”, đồng thời cảnh báo “những hệ quả nghiêm trọng” và tuyên bố “không bao giờ dung thứ tội ác như những gì đã xảy ra”.

“Chúng tôi luôn đối đãi với Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ như một hàng xóm gần gũi mà còn như một quốc gia bè bạn”, ông chủ Điện Kremin nói. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh nước ông tôn trọng quyền lợi của các quốc gia khác nhưng hành động tàn độc do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện sẽ không thể trôi qua mà không có câu trả lời.

Các nhà quan sát đặt ra những giả thuyết: Điện Kremlin có thể tính đến các biện pháp kinh tế, ngoại giao và năng lượng để trả đũa Ankara và xấu nhất là giải pháp quân sự. Riêng lĩnh vực năng lượng, 60% lượng khí đốt và 35% lượng dầu mỏ của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc Nga.

Theo Reuters, ngày 25-11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng, vụ bắn rơi máy bay có thể dẫn đến việc hoãn một số dự án quan trọng giữa nước ông với Ankara. Theo đó, các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất thị phần ở Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hoãn chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 25-11, đồng thời cảnh báo công dân nước ông không đến quốc gia nằm tại Tây Á và một phần nằm tại Đông Nam Âu. Khuyến cáo của Nga được cho là một đòn giáng nặng nề vào ngành công nghiệp du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Quan hệ quốc tế thuộc Đại học New York, phản ứng của Tổng thống Putin sẽ vừa phải và khéo léo, đủ để trấn an dư luận Nga, cũng không làm bùng nổ Thế chiến thứ ba. Nhà phân tích về châu Âu và Trung Á của Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, ông Daragh McDowell, nói rằng đây không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất là Nga đang đối mặt, hàm ý nhắc đến căng thẳng ở Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận Syria?

Trong lúc căng thẳng gia tăng, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Trung tướng Sergey Rudskoi, đưa ra thông tin đáng chú ý: thông số trinh sát định vị vô tuyến của sân bay Hmeymim (Syria) ghi nhận chính máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm không phận Syria khi tấn công chiếc Su-24. Theo ông Rudskoi, đó là nguyên nhân mà Ankara ngay lập tức đề nghị NATO họp khẩn, mặc dù giữa Trung tâm Quản lý quốc phòng Nga và Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập đường dây nóng từ đầu chiến dịch không kích IS tại Syria.

Chính Tổng thống Putin cũng bày tỏ quan ngại về việc Ankara kêu gọi NATO họp khẩn. Không những thế, ông Putin còn cáo buộc Ankara hậu thuẫn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cụ thể là đứng sau các hoạt động tiêu thụ dầu của nhóm chiến binh cực đoan.

Về phía Syria - đồng minh của Nga, chính phủ Damascus nhận định: Vụ việc là sự xâm lược trắng trợn chống lại chủ quyền của quốc gia Trung Đông này.

Liên quan đến số phận của 2 phi công trên chiếc Su-24, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với các hãng thông tấn trong nước rằng, 1 phi công thiệt mạng, còn 1 phi công được quân đội Syria cứu và người này đã về đến căn cứ không quân ở tỉnh Latakia.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.