Phát biểu về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đã xác định được rằng tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng nhận nguồn tài chính từ 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước G20.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo hãng tin Interfax, Tổng thống Putin đã đưa ra tuyên bố trên sau khi đề cập các ví dụ liên quan đến dữ liệu về việc các cá nhân tài trợ cho các nhóm khác nhau của IS. Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm tại hội nghị thượng đỉnh G20, một trong những chủ đề chính là cuộc chiến chống khủng bố, các nhà lãnh đạo đã thảo luận sự cần thiết phải thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống tài trợ cho khủng bố.
Tại hội nghị thượng đỉnh, người đứng đầu nước Nga cũng đưa ra hình ảnh các đoàn xe chở dầu mỏ, một trong những nguồn tài chính dồi dào của IS, chụp từ vệ tinh và từ máy bay. Ông lưu ý các đoàn xe này trông như các hệ thống đường ống hoàn chỉnh.
Trong khi đó, hãng tin Mỹ AP cho biết mỗi tháng, IS thu được 50 triệu USD từ việc bán dầu khai thác bất hợp pháp tại Syria và Iraq. Thông tin của tình báo Iraq cho biết dầu thô của IS được bán với giá rẻ mạt 35 USD/thùng, thậm chí đôi khi giảm chỉ còn 10 USD/thùng.
Dầu được giao cho những trung gian ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 13-11 thông báo đã tiêu diệt các đoàn xe chở dầu thô của IS khi đang di chuyển tới Iraq. Theo Bộ này, số tiền thu được từ bán dầu được IS sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quốc tế.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại London dẫn nguồn tin từ Viện Nghiên cứu hoàng gia Anh về các vấn đề an ninh - quốc phòng (RUSI) cho biết mặc dù rất nỗ lực trong suốt 14 năm qua (kể từ khi xảy ra vụ tấn công 11-9-2001 ở Mỹ), nhưng cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể ngăn chặn thành công nguồn tài chính hỗ trợ khủng bố.
Để "nhổ tận gốc" vấn đề này, cộng đồng quốc tế cần ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ đối tác công - tư hiệu quả, đồng thời thiết lập cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên và kịp thời trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách.
Trong diễn biến liên quan, theo số liệu của Viện Kinh tế và hòa bình ở London công bố ngày 17-11, số người thiệt mạng do các cuộc tấn công khủng bố trên thế giới đã tăng mạnh trong bối cảnh các cuộc xung đột vũ trang đang lan rộng.
Trong năm ngoái, 32.658 người đã thiệt mạng, tăng 80% so với năm trước đó. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm qua, gấp 9 lần so với hồi đầu thế kỷ 21 (năm 2000 trên thế giới có 3.329 người thiệt mạng do khủng bố).
Báo cáo của viện trên cũng cho biết 78% số người thiệt mạng do khủng bố trong năm ngoái là ở 5 quốc gia gồm Iraq, Nigeria, Afghanistan, Pakistan và Syria. Ngoài ra, trong danh sách 10 quốc gia thường xảy ra khủng bố còn có Ấn Độ, Yemen, Somalia, Libya và Thái Lan. Trong khi đó, thiệt hại về kinh tế do khủng bố trong năm 2014 cũng ở mức cao nhất, 52,9 tỷ USD.
Theo TTXVN/Tin Tức