Các cuộc tấn công ở Paris (Pháp) và căng thẳng trên Biển Đông có thể chi phối Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở thủ đô Manila của Philippines vào ngày 18 và 19-11.
Hãng AP cho biết, các nhà ngoại giao cấp cao của APEC đang chia rẽ về việc nên ra tuyên bố chung về vụ tấn công khủng bố ở Paris hay để mỗi nhà lãnh đạo bày tỏ riêng quan điểm của nước mình. Một nhà ngoại giao bác bỏ việc đề cập vụ tấn công trong tuyên bố của APEC và cho rằng sẽ làm tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chú ý đến khối này. Cách đây 14 năm, vào tháng 10-2001, khi nhóm họp ở Thượng Hải (Trung Quốc), các nhà lãnh đạo APEC đã ra tuyên bố chung lên án vụ khủng bố xảy ra ngày 11-9-2001 tại Mỹ và cam kết hỗ trợ chống chủ nghĩa khủng bố.
Bên cạnh đó, AP cũng cho hay, việc APEC có các cuộc nghị sự về an ninh được cho là nhạy cảm đối với Trung Quốc, bởi cường quốc châu Á quan ngại điều này có thể mở đường để bàn thảo xung quanh vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Manila hồi tuần trước và đề nghị Philippines không đề cập các vấn đề gây tranh cãi như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh APEC.
Song, Reuters dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg rằng, Tổng thống Barack Obama có thể sẽ thảo luận về căng thẳng trên Biển Đông và mối quan hệ quân sự khi ông gặp Tổng thống nước chủ nhà Benigno Aquino bên lề hội nghị.
Ngoài ra, ông Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng dự kiến thống nhất một thỏa thuận mở đường để Tokyo cung cấp thiết bị quân sự cho Manila, trong đó có máy bay tuần tra trên Biển Đông. Thỏa thuận này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản đồng ý trực tiếp tặng thiết bị quân sự cho một nước khác.
Trong lúc đó, Philippines đang báo động cao nhằm bảo đảm an ninh cho Hội nghị APEC. Giới chức Manila cho biết, không có thông tin tình báo về việc có khả năng xảy ra tấn công nhằm vào hội nghị. “Không có các mối đe dọa cụ thể nào. Tôi có thể khẳng định như vậy”, người phát ngôn cảnh sát quốc gia Wilben Mayor nói.
THIÊN BÌNH