Năm 2015, thế giới đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ chính trị đến kinh tế, an ninh, đánh dấu bức tranh khá ảm đạm trên khắp các châu lục. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các nước, vẫn có những thành tựu lớn về ngoại giao...
Báo Đà Nẵng bình chọn 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2015. Những sự kiện này sẽ tiếp diễn hoặc có ảnh hưởng lớn trong năm 2016.
1) Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời
Các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ sự đoàn kết sau khi ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015. Ảnh: AP |
Ngày 22-11, các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về “Thành lập Cộng đồng ASEAN”. Theo đó, ngày 31-12, Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời với 3 trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội; đánh dấu việc ASEAN đang trở thành một cộng đồng phát triển năng động, đoàn kết, liên kết ngày càng sâu rộng; đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định ở khu vực. Dự báo GDP của ASEAN sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020 và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030.
2) Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông
Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông làm thế giới lo ngại. Ảnh: CSIS |
Việc Trung Quốc xây dựng và tôn tạo trái phép các đảo, bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam làm dấy lên căng thẳng trên Biển Đông, khiến nhiều quốc gia trong khu vực cũng như thế giới lo ngại. Không những thế, Trung Quốc còn ngang ngược xây dựng các đường băng, hải đăng và tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo ở vùng biển này.
Mỹ, các nước châu Âu, Úc, Nhật Bản… đều lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc. Tháng 10 vừa qua, Mỹ đưa tàu khu trục USS Lassen đến khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đánh dấu sự khởi đầu của Washington trong việc thách thức yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông, khu vực có dòng chảy thương mại trị giá nhiều tỷ USD/năm.
3) Hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
Lãnh đạo 12 nước tại buổi họp báo sau khi kết thúc đàm phán TPP ở thành phố Atlanta, Mỹ. Ảnh: AFP |
Sau hơn 5 năm đàm phán kể từ tháng 3-2010, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được hoàn tất vào ngày 5-10-2015, mở ra bước ngoặt quan trọng cho 12 quốc gia liên quan, trong đó có Việt Nam. TPP được xem là hiệp định của thế kỷ vì quy tụ các nước nắm giữ đến 40% GDP toàn cầu và có thể giúp nền kinh tế thế giới tăng thêm 300 tỷ USD/năm.
TPP nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
4) Dòng người tị nạn đổ vào châu Âu
Người tị nạn chen chúc trên tàu từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Chios của Hy Lạp. Ảnh: AP |
Làn sóng người nhập cư đổ vào châu Âu vượt mốc 1 triệu người trong năm 2015 do chiến tranh và tình trạng nghèo đói, hầu hết đến từ Syria, làm chao đảo “lục địa già”. Điều này khiến châu Âu đối mặt với bài toán kinh tế bởi các chính phủ phải chi ngân sách hàng tỷ USD. Hơn nữa, nội bộ châu Âu không tìm được tiếng nói chung về cách đối phó với cuộc khủng hoảng tị nạn nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.
Một vấn đề khác đặt ra là người nhập cư và tị nạn phải vượt qua những thách thức lớn để hội nhập như: ngôn ngữ, rào cản văn hóa. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng đối mặt với làn sóng thù ghét và bạo lực nhằm vào người nước ngoài đang gia tăng.
5) IS tấn công cả ba châu lục
An ninh được thắt chặt ở thủ đô Paris và những vùng lân cận trên nước Pháp. Ảnh: AFP |
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không những hoành hành tại Iraq và Syria mà còn mở rộng phạm vi hoạt động ra châu Âu, châu Á và Mỹ. Hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris của Pháp vào ngày 13-11 đã gây chấn động thế giới.
IS tuyên bố nguyên nhân tấn công là do nước Pháp đã tham gia ném bom các mục tiêu của lực lượng Hồi giáo cực đoan này tại Syria và phỉ báng đấng tiên tri Mohamed. Nhóm tấn công tạp chí biếm họa Charlie Hebdo và siêu thị Do Thái ở trung tâm Paris hồi đầu tháng 1 cũng có quan hệ với IS.
Một vụ việc khác cũng gây chấn động thế giới là máy bay của hãng hàng không Nga Metrojet rơi ở bán đảo Sinai (Ai Cập) vào ngày 31-10 làm 224 người chết. Thủ phạm được cho là IS.
Ngày 2-12, một cặp vợ chồng trung thành với IS xả súng làm 14 người thiệt mạng ở San Bernardino, bang California, Mỹ. Trước hàng loạt vụ việc do IS gây ra, trong lúc thế giới đang lo ngại thì có những thông tin tổ chức này đang luyện quân tại Philippines và lên kế hoạch thành lập “vương quốc Hồi giáo” ở Indonesia. Theo đó, các nước Đông Nam Á có thể trở thành mục tiêu bành trướng tiếp theo của IS.
6) Nga tiến hành chiến dịch không kích ở Syria
Nga giữ quan điểm bảo vệ chính phủ Syria. Trong ảnh: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) trong một cuộc gặp gỡ người đồng cấp Syria Walid al-Moallem. Ảnh: AP |
Từ cuối tháng 9, Nga tiến hành các cuộc không kích ở Syria nhằm vào IS. Sự tham gia của Nga đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện trong cuộc chiến chống IS. Nga đã làm được điều mà Mỹ và liên minh quốc tế do gồm 60 nước do Washington dẫn đầu không thể làm trong hơn một năm qua.
Nga và Pháp muốn thành lập một “liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố”. Song, căng thẳng bùng phát và leo thang nhanh chóng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau khi máy bay chiến đấu Su-24 của Mátxcơva bị bắn rơi ở biên giới Syria là trở ngại đáng kể trong việc thành lập liên minh mới.
7) Iran và các cường quốc đạt thỏa thuận hạt nhân
Các nhà ngoại giao Iran và nhóm P5+1 vui mừng khi đạt được thỏa thuận. Ảnh: AFP |
Sau 11 năm đàm phán bất thành, ngày 14-7, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) đã đạt được thỏa thuận lịch sử. Theo đó, Iran phải cắt giảm khoảng 97% kho dự trữ uranium làm giàu, đổi lại các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Tehran.
Thỏa thuận này được xem là bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi việc đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran là “sai lầm lịch sử của thế giới”.
8) Thế giới thông qua thỏa thuận chống biến đổi khí hậu
Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) nhận những lời chúc mừng khi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu được ký. Ảnh: AFP |
Hội nghị quốc tế về chống biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) tại Paris đã thành công với việc 195 quốc gia ký kết thỏa thuận Paris, thay thế Nghị định thư Kyoto đã hết hạn. Đây là bước đột phá của Liên Hợp Quốc trong suốt 20 năm đàm phán nhằm thuyết phục các nước hợp tác để cắt giảm lượng khí thải.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gọi thỏa thuận là “chiếc phao cứu sinh”, cơ hội cuối cùng để chuyển giao cho các thế hệ tương lai “một thế giới ổn định hơn, một hành tinh khỏe mạnh hơn, những xã hội công bằng hơn và các nền kinh tế thịnh vượng hơn”.
Thỏa thuận đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 20C vào năm 2100. Các nước phát triển cam kết chi tối thiểu 100 tỷ USD/năm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
9) Giá dầu xuống thấp kỷ lục
Giá dầu thô đã giảm hơn 60%. Ảnh: AFP |
Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2009, giá dầu thô ở Mỹ chỉ còn dưới mức 37 USD/thùng vào ngày 8-12. Chuyên gia phân tích Fawad Razaqzada của hãng Gain Capital nhận định: “Nếu giá dầu Brent giữ mức dưới 40 USD/thùng sẽ là một tác động lớn về mặt tâm lý với các khách hàng và có thể tiếp tục đẩy giá dầu tiếp tục xuống thêm”.
Thực tế, việc 13 quốc gia thành viên OPEC không chịu cắt giảm sản lượng dầu mỏ, cộng thêm Trung Quốc giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng do suy thoái kinh tế, khiến giá dầu thô liên tục lao dốc, mất tới hơn 60% giá trong 18 tháng qua từ các mức giá ban đầu hơn 100 USD/thùng.
Nguy cơ tài chính lớn nhất toàn cầu năm 2016 được cho chính là vấn đề dầu mỏ. Một kịch bản dường như không còn quá ảo tưởng hay xa vời nữa là việc giá dầu sẽ chỉ còn 20 USD/thùng.
10) Động đất kinh hoàng ở Nepal
Khu vực Bhaktapur, gần thủ đô Kathmandu, tan hoang sau động đất. Ảnh: AP |
Hai trận động đất xảy ra ở Nepal vào ngày 25-4 và 12-5 cùng hàng trăm cơn dư chấn đã cướp đi sinh mạng của gần 9.000 người, phá hủy khoảng 500.000 ngôi nhà, phần lớn ở khu vực nông thôn; thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 7 tỷ USD.
Trận động đất thứ nhất mạnh 7,8 độ Richter làm rung chuyển khu vực giữa thành phố Pokhara và thủ đô Kathmandu. Trận thứ hai mạnh 7,3 độ Richter cũng xảy ra ở Kathmandu.
Động đất tạo ra thách thức cho Nepal, đất nước nổi tiếng với dãy Everest. Nepal có 27,8 triệu dân, kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch. Quốc gia này cần khoảng 6,7 tỷ USD để tái thiết sau động đất và phục hồi kinh tế.