ĐNĐT - Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã phát đi cảnh báo đỏ về tình trạng ô nhiễm không khí lần đầu tiên vào ngày 7-12 khi một màn sương bao trùm thành phố này.
Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh đã chìm trong sương mù kể từ hôm 30-11-2015. Ảnh: AP |
Theo cảnh báo đỏ, các biện pháp nghiêm ngặt sẽ có hiệu lực nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí tại thủ đô.
Kể từ ngày thứ Ba trở đi (8-12), một nửa xe tư nhân sẽ không được xuống đường, luân phiên đối với biển số xe chẵn - lẻ. Cùng với đó, 30% xe nhà nước cũng nằm ở gara.
Các công trình xây dựng và nhà máy gây ô nhiễm cao phải dừng hoạt động, Cục Môi trường thành phố Bắc Kinh cho biết, trên trang tin của cơ quan này. Thành phố cũng sẽ cấm cả pháo hoa và cả các lò nướng thịt.
“Người dân tốt nhất là nên giảm tối đa các hoạt động ngoài trời. Nếu phải tham gia các hoạt động ngoài trời thì các bạn nên đeo khẩu trang hoặc có biện pháp bảo hộ”, Cục Môi trường Bắc Kinh nhắc nhở.
Các vườn trẻ, trường tiểu học và trung học cũng bị buộc đóng cửa mà không có ngoại lệ để các biện pháp này có hiệu lực.
Đến 3 giờ chiều thứ Hai giờ địa phương, chỉ số chất lượng không khí của Bắc Kinh đã trên mức 200, mức ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, so với thứ Ba trước thì vẫn thấp hơn nhiều (chỉ số không khí là hơn 1.000 ở một số nơi tại Bắc Kinh).
Vào chiều thứ Bảy, chính quyền đã phát đi cảnh báo màu cam, cao thứ hai. Theo thông báo của thành phố, lệnh trên sẽ có hiệu lực đến chiều thứ Năm (10-12).
Không khí ô nhiễm là nỗi lo mới của chính quyền thành phố về khả năng ứng phó với chất lượng không khí kém mặc dù các tuyên bố nhắc đi nhắc lại của lãnh đạo Trung Quốc rằng, việc làm sạch môi trường tại nước này là ưu tiên hàng đầu.
Tuần trước, cơ quan giao thông Bắc Kinh cho biết, họ sẽ xem xét tính phí gây tắc nghẽn nhằm giảm thiểu xe cộ và sương mù tại thành phố này.
Trung Quốc từng nói rằng, đợt không khí ô nhiễm mới nhất này là kết quả của chất thải từ nhà máy và điều kiện thời tiết thất thường.
Chính quyền thành phố cũng đã đẩy mạnh kiểm tra các nhà máy gây ô nhiễm. Người ta ước tính rằng, Trung Quốc đã phát thải gần gấp đôi lượng CO2 so với Mỹ vào năm 2013 và khoảng 2,5 lần so với toàn bộ Liên minh Châu Âu. Bắc Kinh từng tiên đoán rằng, phát thải sẽ lên đến đỉnh “khoảng năm 2030”.
Bắc Kinh cũng đã hứa sẽ giảm thiểu tiêu thụ than đá khoảng 100 triệu tấn vào năm 2020, một tỉ lệ rất nhỏ so với 4,2 tỉ tấn mà nước này ngốn vào năm 2012 và sẽ cắt 60% “các chất gây ô nhiễm chính” từ các nhà máy điện than, mà không nói rõ chất đó là gì.
Quang Hiển (theo CNA, CNN)