.
Câu chuyện quốc tế

Bức tường xanh vĩ đại và câu chuyện đoàn kết

.

Có một dự án khi nghe nói về nó, người ta tưởng như đang nói về một “nhiệm vụ bất khả thi”: Ngăn chặn tình trạng xâm lấn của sa mạc Sahara vào các khu vực xa hơn phía nam châu Phi. Nhưng thực tế, dự án đó đã đi được chặng đường 8 năm.

11 quốc gia tham gia dự án Bức tường xanh vĩ đại gồm: Mauritania, Mali, Niger, Chad, Sudan, Eritrea, Djibouti, Senegal, Burkina Faso, Nigeria và Ethiopia. Ảnh: Linkis
11 quốc gia tham gia dự án Bức tường xanh vĩ đại gồm: Mauritania, Mali, Niger, Chad, Sudan, Eritrea, Djibouti, Senegal, Burkina Faso, Nigeria và Ethiopia. Ảnh: Linkis

Theo AP, trong chừng ấy năm, từng cây từng cây một được trồng lên và Bức tường xanh vĩ đại (Great Green Wall) đã từng ngày hiện thực hóa, trở thành vành đai bao bọc châu Phi chống lại tình trạng sa mạc hóa đất đai. Tất nhiên, thành công của dự án được ví với thử thách của dũng sĩ Hercules này phần lớn dựa vào nỗ lực của 11 quốc gia liên quan và nguồn ngân sách thực hiện dự án.

Theo những kế hoạch được triển khai năm 2007, Bức tường xanh vĩ đại sẽ là một vòng cung cây xanh chạy dài khoảng 7.000 km trên toàn châu Phi, từ Senegal nằm bên bờ Đại Tây Dương tới Djibouti trên Vịnh Eden.

Công trình của quyết tâm và đoàn kết

Chiều rộng 15km của Bức tường xanh vĩ đại là một phần của sáng kiến mở rộng hơn nhằm giúp giảm tác hại của những trận gió mùa mang theo cát bụi, làm chậm quá trình mất nước của đất và quá trình sa mạc hóa, cải thiện đời sống và sức khỏe của cư dân gần đó.

Đến nay, tại Senegal, quốc gia nằm ở vị trí xa nhất của dự án, 40.000 héc-ta cây xanh đã được trồng dọc theo 150km chiều dài thuộc công trình Bức tường xanh vĩ đại. Theo Cơ quan quốc gia phụ trách dự án của Senegal, trong lộ trình thực hiện, quốc gia này sẽ đạt tới mục tiêu mở rộng thêm 545 km chiều dài “bức tường cây” và che phủ được khoảng 800.000 héc-ta cây trồng.

Tại những ngôi làng Senegal như làng Mbar Toubab, việc có các trang trại trồng cây để bán giờ đây đã khả thi. Thực tế đó khiến những phụ nữ như bà Aissata Ka (38 tuổi) có thể tăng thêm nguồn thu nhập cũng như mở rộng cơ hội trồng trọt, kinh doanh tốt hơn khi bà đã trồng được những cây keo trên đất nhà mình.

Bà Ka nói: “Nông nghiệp đã dễ dàng hơn với chúng tôi. Nếu nuôi gia súc, đàn vật nuôi có thể chết bất đắc kỳ tử và anh buộc phải sống như dân du mục. Nhưng ở đây, với trồng trọt, chúng tôi không cần phải đi đâu”.

Nhưng không chỉ thế, ông Ousseynou Toure, chuyên gia của Dự án phát triển nông thôn ở Senegal, đơn vị tư vấn cho Chính phủ, còn chỉ ra một lợi ích khác. Ông nói: “Bức tường xanh vĩ đại còn giúp ích cho sức khỏe của trẻ em bằng cách giảm bớt gió và bụi”.

Những thành công của Senegal bắt nguồn từ việc không chỉ hợp tác tốt với cộng đồng, mà còn ở chỗ: Các nhà nghiên cứu tham gia tư vấn về những loại cây có khả năng phát triển tốt nhất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Gắn với lợi ích cộng đồng

Chuyên gia Toure cho rằng, tốc độ mất nước trong đất xảy ra rất nhanh cùng với tình trạng biến đổi khí hậu. Điều đó cần phải được chặn đứng để bảo tồn hệ sinh thái và khôi phục trật tự tự nhiên của mọi việc. Ông Toure nhấn mạnh, cần phải đưa dự án xây dựng bức tường cây xanh gắn với các dịch vụ xã hội để có thể duy trì những lợi ích nó mang lại.

Ông nói rằng, mỗi quốc gia trong số 11 nước có bức tường cây xanh đi qua đều phải quyết định về những nhu cầu của họ với sáng kiến này và cách thức để duy trì những điều đó. Vậy nên, nếu các chính sách của một nước thay đổi và họ không chịu thực hiện vai trò của mình trong dự án này, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới các quốc gia láng giềng.

Dự án Bức tường xanh vĩ đại do các nhà lãnh đạo châu Phi khởi xướng, trong suốt nhiều năm qua đã và đang được củng cố thêm thông qua các hội nghị, hiệp định liên chính phủ cùng với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc cũng như các tổ chức khác.

Ông Mohamed Adow, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của cơ quan phát triển quốc tế Christian Aid cho rằng, đối với các dự án như thế này, điều quan trọng là phải tôn trọng các quyền lợi của người dân địa phương và phải được người dân địa phương tích cực ủng hộ.

Ông phân tích: “Việc chọn lựa được những giống cây tốt và phát triển các hệ thống quản lý bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng đúng đắn là điều rất quan trọng để tránh được kết cục, bức tường cây xanh bị người dân địa phương phá hỏng và rồi trở thành đối tượng bị đám buôn bán gỗ lậu khai thác”.

Tại Diễn đàn COP21 ở thủ đô Paris vừa rồi, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, trong các năm tới, Pháp sẽ đầu tư nhiều tỷ euro vào vấn đề năng lượng có thể tái tạo ở châu Phi nhằm giúp “lục địa đen” được sử dụng điện nhiều hơn và hỗ trợ thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Các trợ giúp phát triển của Pháp cũng sẽ tập trung vào dự án Bức tường xanh vĩ đại, bảo vệ hồ Chad và sông Niger cùng nhiều dự án khác.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.