.
Câu chuyện quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ buôn bán dầu mỏ với IS?

.

Sau vụ việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga, trong những tranh cãi giữa hai bên, ngoài chuyện máy bay Nga có xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ hay không, còn nổi lên câu chuyện khác, đó là cáo buộc của Nga về hoạt động “làm ăn bất chính” giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Các quan chức quân sự Nga công bố những hình ảnh các xe bồn vận chuyển dầu ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.  		                Ảnh: AP
Các quan chức quân sự Nga công bố những hình ảnh các xe bồn vận chuyển dầu ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Ảnh: AP

Trang Syria.mil của Nga dẫn báo cáo chi tiết của Tướng Sergei Rudskoy, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga, cho thấy những bằng chứng liên quan tới cáo buộc này.

Nga chặn đứng nguồn thu của IS

Tướng Sergei Rudskoy khẳng định: Sẽ không thể tiêu diệt được IS nếu không chặn đứng nguồn tài chính của chúng. Và như mọi người đều hiểu rằng, nguồn tài chính chủ yếu của IS đến từ việc buôn bán dầu mỏ ở chợ đen.

Để tiêu diệt nguồn cung tài chính quan trọng này, kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích, không quân Nga đã tiến hành ném bom vào các mục tiêu liên quan tới dầu mỏ của IS, từ các khu vực khai thác, lưu trữ, lọc dầu tới các cơ sở hạ tầng phục vụ việc chuyên chở dầu của IS trong các khu vực do chúng kiểm soát.

Trong 2 tháng qua, các đợt không kích của Nga đã phá hủy 32 cơ sở sản xuất dầu mỏ của IS, 11 nhà máy lọc dầu và 23 trạm bơm dầu. Tổng cộng đã có hơn 1.080 xe bồn chở dầu và các sản phẩm xăng khác của IS bị phá hủy trong các đợt không kích của Nga.

Cũng theo Tướng Sergei Rudskoy, tất cả những điều đó đã làm giảm sản lượng dầu mỏ khai thác của IS tại Syria gần 50%. Theo những ước tính mới nhất, doanh thu của tổ chức khủng bố từ hoạt động khai thác dầu mỏ trái phép đã giảm từ 3 triệu USD xuống còn 1,5 triệu USD/ngày.

Tuy nhiên, có một điều không chỉ Nga mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đều nhận thấy, IS vẫn tiếp tục thu về một nguồn tài chính đáng kể, cùng với vũ khí, đạn dược và nhiều trang thiết bị khí tài quân sự khác.

Trong một cuộc họp báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin dẫn các nguồn tin tình báo của Nga cho biết, IS đang nhận tài trợ từ khoảng 60 nước, trong đó có cả những nước thuộc nhóm G20. Trong các cáo buộc của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước liên quan trực tiếp tới các hoạt động buôn bán quy mô lớn về dầu mỏ với IS. Như vậy cũng có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tay cho nhóm khủng bố này.

Chứng cứ từ không ảnh và dữ liệu do thám

Tướng Sergei Rudskoy cho biết, phía Nga nắm trong tay những bằng chứng mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể chối cãi về việc họ liên quan tới việc buôn bán dầu mỏ với IS. Đó là những thông tin từ các bức ảnh và dữ liệu do thám trên không. Những gì mà truyền thông đã và đang công bố, theo Tướng Sergei Rudskoy, chỉ là một phần trong những chứng cứ đó.

Tướng Nga khẳng định: Từ những thông tin Nga nắm được cho thấy có 3 lộ trình vận chuyển dầu chính từ các khu vực lãnh thổ do IS kiểm soát tại Syria và Iraq tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, lộ trình phía tây dẫn tới các cảng biển Địa Trung Hải, lộ trình phía bắc dẫn tới khu lọc dầu Batman và lộ trình phía đông kết thúc tại một căn cứ lớn ở Cizre. Nga cung cấp chứng cứ từ các bức ảnh cho thấy toàn bộ dây chuyển vận chuyển dầu khép kín của IS đi vào lãnh địa Thổ Nhĩ Kỳ, từ lúc khai thác cho tới các cơ sở lọc dầu.

Dọc theo lộ trình vận chuyển dầu phía tây, khí hydrocarbon sản sinh từ các giếng dầu gần al-Raqqah được chở tới vùng tây bắc Syria bằng các phương tiện vận tải. Những hình ảnh chụp ngày 13-11-2015 cho thấy tại vệt xa lộ gần thị trấn Azaz nối Thổ Nhĩ Kỳ với Syria có một loạt các xe chở xăng đang tập trung tại đó.

Các dữ liệu do thám trên không khẳng định: Sau khi đã vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, các xe bồn chở dầu sẽ hướng về các cảng Dörtyol và Iskenderun. Một phần dầu sẽ được chuyển vào các xe bồn tại đó để chuyển tiếp tới các cơ sở xử lý nằm ở xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Một phần dầu khác được bán ngay tại thị trường nội địa Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung ngày nào cũng vậy, tại các cảng này, xe bồn nào cũng chứa đầy ắp dầu.

Nga cũng chỉ ra một lộ trình dẫn tới Thổ Nhĩ Kỳ khác từ các giếng dầu nằm bên bờ hữu ngạn sông Euphrates. Khu vực gần Deir ez-Zor là một trong những trung tâm khai thác và lọc dầu lớn nhất đang nằm trong tay IS. Một số lượng lớn cơ sở lọc dầu nằm tại đây.

Các hình ảnh do Nga cung cấp cũng cho thấy rất nhiều xe bồn chờ lấy hàng đang tập trung tại đó. Trong bức ảnh chụp ngày 18-10-2015 tại vùng Deir-ez-Zor, phía Nga thống kê được 1.722 phương tiện vận chuyển dầu đang có mặt, hầu hết đều không có chỗ đậu, phải chen chúc xếp cạnh nhau.

Mỹ bác bỏ cáo buộc của Nga

Sau những tố cáo của Nga về việc Thổ Nhĩ Kỳ “làm ăn” khuất tất với IS, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng gay gắt, bản thân Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố rất quyết liệt: Nếu phía Nga đủ bằng chứng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có buôn bán dầu mỏ với IS thì ông sẽ từ chức.

Bất kể việc Iran cũng nói họ cũng có bằng chứng trong tay khẳng định việc Thổ Nhĩ Kỳ buôn bán dầu mỏ với IS, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn bác bỏ cáo buộc này.

Ngày 5-12 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ trước sự việc khi viết trên Facebook: “Khi các quan chức Mỹ nói rằng, họ không thấy có chuyện dầu mỏ của những kẻ khủng bố đã được tuồn vào Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó cho thấy rõ họ có ý khỏa lấp những hành động này”.

Đặc phái viên kiêm điều phối viên các vấn đề năng lượng quốc tế của Mỹ Amos Hochstein ngày 4-12 cho rằng, số lượng dầu mỏ từ các vùng thuộc Syria do IS kiểm soát được tuồn vào Thổ Nhĩ Kỳ không đáng kể, không quá nghiêm trọng cả về số lượng lẫn doanh thu.

Theo ước tính của Mỹ, doanh thu từ dầu mỏ của IS hiện tại vào khoảng từ 1 - 1,5 triệu USD/ngày. Họ hy vọng với việc tăng cường các cuộc không kích của Mỹ, Anh, Pháp và Nga sẽ cắt giảm đáng kể được nguồn thu này.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.