Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định các ngoại trưởng và bộ trưởng môi trường của thế giới đang nỗ lực để tìm kiếm thỏa thuận cùng giải pháp để chống biến đổi khí hậu, bởi lịch sử sẽ phán xét nghiêm khắc những nỗ lực của ngày hôm nay.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (phải) và Ngoại trưởng Laurent Fabius thúc đẩy sự chung tay của các nước trong việc chống lại sự ấm nóng của toàn cầu. Ảnh: AP |
Tuần đầu đàm phán tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris đã trôi qua trong căng thẳng nhưng đã đạt được sự thống nhất đối với dự thảo hiệp định toàn cầu vào ngày 5-12. Điều này mang lại sự lạc quan rất lớn.
COP21 vốn được kỳ vọng là “bước ngoặt” trong việc giữ mức tăng nhiệt độ của trái đất không quá 2 độ C và thúc đẩy cam kết của các nước nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bản dự thảo khoảng 42 trang đưa ra một số lựa chọn, trong đó có mục tiêu dài hạn làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và tăng tài trợ cho các nước đang phát triển để đối phó với biến đổi khí hậu.
Ông Su Wei, Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc, quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, nói rằng tuần đầu tiên đối thoại mặc dù rất khó khăn nhưng đã có kết quả tốt và tạo nền tảng vững chắc để thúc đẩy đàm phán, tiến định một nghị định thay thế Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2020.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, nhiều người và các thế hệ tương lai sẽ nghiêm khắc phán xét những gì mà các lãnh đạo nhà nước và chính phủ đã nỗ lực hôm nay. “Lịch sử sẽ phán xét nghiêm khắc nếu các lãnh đạo bỏ lỡ cơ hội trong tháng 12 này”, ông Hollande nói.
Theo Reuters, đàm phán ở Paris tuần này bước vào một giai đoạn mới khó khăn hơn khi vẫn còn hàng trăm điểm bất đồng chưa được giải quyết, trong đó có mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất ở mức 1,5 độ C từ nay đến năm 2020, theo yêu cầu của nhiều nước, thay vì mục tiêu 2 độ C như đã đặt ra trước đó để giảm thiểu tình trạng nước biển, dâng, bão, lũ lụt, hạn hán…
Chủ tịch COP21 - Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khẳng định còn nhiều việc phải làm để đạt được thỏa thuận có tính pháp lý trong ngày cuối cùng (ngày 11-12), ràng buộc cả nước giàu lẫn nước nghèo cùng chống lại sự ấm nóng toàn cầu.
Cao ủy Năng lượng và khí hậu của châu Âu Miguel Arias Canete cũng thừa nhận “dường như dễ dàng trong việc đạt được một thỏa thuận yếu ớt hơn là một thỏa thuận mạnh mẽ”.
Cũng tại Paris, chính phủ các nước châu Phi cam kết khôi phục 100 triệu hecta rừng tự nhiên từ nay đến năm 2030. Nhiều nước châu Phi, trong đó có Ethiopia, Kenya, Uganda, Burundi và Rwanda, cam kết đóng góp chi phí cho dự án này.
Khởi động từ năm 1992, các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc về khí hậu không thể ngừng được việc gia tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hầu hết do đốt nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân khiến hành tinh này nóng lên.
Các thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trước đó chỉ yêu cầu nước giàu giảm khí thải. Song, thỏa thuận lần này yêu cầu tất cả các quốc gia phải có trách nhiệm.
Vấn đề đặt ra và quan trọng vẫn là tài chính. Các nước đang phát triển cảnh báo rằng, COP21 vẫn có nguy cơ thất bại như những hội nghị lần trước nếu không ký được thỏa thuận về tài chính.
Reuters cho biết, các nước phát triển đã huy động được khoảng 80-90 tỷ USD/năm để giúp các nước nghèo nhưng các nước mới nổi lại tranh cãi về con số này và cho rằng, còn khá xa mới đạt được mục tiêu 100 tỷ USD theo mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Năm ngoái, các nước mới đóng góp được 62 tỷ USD. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ trích phương Tây thiếu sự minh bạch đối với quỹ chống biến đổi khí hậu.
Thực tế, thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu. Mức phát thải khí carbon như hiện nay sẽ làm mực nước biển gia tăng; lũ lụt, bão, hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Nhưng cứ tại mỗi kỳ họp như thế, các nước vẫn không thể vượt qua những khác biệt, không ngừng đổ lỗi cho nhau và không chịu nhượng bộ. Và nếu như thế, COP21 năm nay sẽ có nguy cơ đổ vỡ.
VĨNH AN