Mặc dù Liên Hợp Quốc kỳ vọng các cuộc đàm phán về khủng hoảng Syria sẽ được nối lại vào ngày 25-1-2016 nhưng tiến trình hòa bình đang bị đe dọa nghiêm trọng sau cái chết của Zahran Alloush, thủ lĩnh phong trào Jaish al-Islam, nhóm nổi dậy hùng mạnh nhất ở quốc gia Trung Đông này.
Cái chết của ông Zahran Alloush, thủ lĩnh phong trào Jaish al-Islam, đe dọa đàm phán hòa bình vào tháng 1 tới. Ảnh: AFP |
Zahran Alloush chết trong cuộc không kích ngày 25-12 vừa qua nhằm vào trụ sở của ông. Ngoài Alloush, nhiều thủ lĩnh cấp cao khác của Jaish al-Islam cùng những người thuộc các nhóm Ahrar al-Sham và Faylaq al-Rahman cũng thiệt mạng.
Được Saudi Arabia hậu thuẫn, Jaish al-Islam là nhóm nổi dậy nổi trội nhất của phiến quân Syria ở phía đông thủ đô Damascus, có quan điểm chống Tổng thống Bashar al-Assad và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Jaish al-Islam cũng là một trong những nhóm có ảnh hưởng nhất được mời tham dự đàm phán ở Riyadh (Saudi Arabia) hồi đầu tháng 12 này và đồng ý ngồi vào bàn thương thảo với chính phủ Damascus.
Hãng AFP cho rằng, cái chết của Alloush (44 tuổi) làm chệch hướng kế hoạch sơ tán hàng trăm chiến binh thánh chiến và dân thường khỏi miền nam Damascus. Việc sơ tán dự kiến thực hiện vào ngày 26-12 đã bị hoãn. Kế hoạch trước đó được đặt ra theo thỏa thuận giữa lực lượng nổi dậy và chính phủ Syria là vào ngày 26-12, khoảng 5.000 phiến quân, trong đó có 2.000 tay súng IS, cùng gia đình rời các quận al-Hajar al-Aswad và al-Qadam, phía nam Damascus.
Cái chết của Alloush cũng là cú sốc đối với cuộc nổi dậy gần 5 năm qua ở Syria và làm phức tạp tiến trình hòa bình vốn rất mong manh, nhất là khi chính phủ Syria nhận trách nhiệm về vụ việc này. Ông Aron Lund, biên tập trang Syria in Crisis (Syria trong khủng hoảng) của tổ chức Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế (Mỹ) nói rằng, cái chết bất ngờ của Alloush khiến sự gắn kết của phong trào nổi dậy Syria đứng trước nguy cơ tan vỡ. Trên Twitter, nhà phân tích Charles Lister cũng có nhận định tương tự.
Dù chính phủ Syria nhận trách nhiệm nhưng vẫn chưa có thông tin xác thực về việc ai đứng sau các vụ không kích tiêu diệt Alloush. Nhiều lực lượng trong phe đối lập đổ lỗi cho Nga, nước đang tiến hành các vụ không kích ở Syria nhằm vào IS và các nhóm nổi dậy khác kể từ cuối tháng 9 đến nay.
Nhưng nếu quả thật các vụ không kích tiêu diệt Alloush do chính phủ Syria thực hiện thì Damascus và phe đối lập sẽ khó ngồi cùng bàn. Theo các nhà phân tích, cái chết của Alloush là sự ẩn ý của cả chính phủ Syria lẫn Nga rằng, không phải ai cũng có thể ngồi chung bàn đàm phán, trong khi Jaish al-Islam đã bị Mátxcơva đưa vào danh sách khủng bố.
Đàm phán ở Riyadh vốn bị Syria và Nga bác bỏ vì cho rằng, các nhóm tham dự không đại diện cho lực lượng đối lập ở Syria và vì vậy, việc các nhóm này có mặt ở Saudi Arabia là điều không thể chấp nhận.
Giờ đây, bất chấp những gì đang diễn ra, đặc phái viên Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề Syria Staffan de Mistura vẫn tiếp tục thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ Damascus với lực lượng nổi dậy vào ngày 25-1-2016, với hy vọng có “sự tham gia rộng rãi nhất có thể” của các đại diện lực lượng đối lập. Trong một tuyên bố, ông Staffan nói rằng, không nên để những diễn biến mới đây là chệch hướng đàm phán.
Tiến trình hòa bình ở Syria đang trở nên mong manh. Song, theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, vẫn có hy vọng cho tương lai Syria với nền tảng là nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua trước đó. Điều quan trọng là các bên cần có sự nhượng bộ, nhất là giữa Nga với phương Tây, để tìm ra một giải pháp chính trị cho Syria.
VĨNH AN