.

Hồi giáo cực đoan ở châu Á: Nhận diện nguy cơ

.

GS Audrey Kurth Cronin, Giám đốc chương trình An ninh quốc tế thuộc Đại học George Mason, có trụ sở tại hạt Fairfax (bang Virginia, Mỹ) cho rằng, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không phải một tổ chức khủng bố mà là một “ngụy quốc gia” do một nhóm quân đội truyền thống cố tìm cách kích động các hành vi khủng bố xuyên quốc gia.

Binh sĩ Indonesia tuần tra ở khu vực Poso, nơi bị nghi ngờ có căn cứ đào tạo chiến binh của IS.	Ảnh: Reuters
Binh sĩ Indonesia tuần tra ở khu vực Poso, nơi bị nghi ngờ có căn cứ đào tạo chiến binh của IS. Ảnh: Reuters

Quan điểm của GS Audrey Kurth Cronin được đề cập trên trang Foreign Affairs ngay từ tháng 4 vừa qua. Theo ông, cả IS và Al-Qaeda đều liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, đều có những mục tiêu lâu dài giống nhau, từng được xếp cùng nhóm với nhau, nhưng là 2 tổ chức khác biệt nhau theo những cách cơ bản và đó là những điểm cần lưu tâm trong cuộc chiến chống lại chúng.

GS Audrey Kurth Cronin là chuyên gia cố vấn quen thuộc với các nhà hoạch định chính sách cao cấp của Mỹ.

Khác biệt giữa Al-Qaeda và IS

Các nhóm khủng bố như Al-Qaeda nhìn chung chỉ có vài chục tới vài trăm thành viên. Chúng tấn công dân thường và không chiếm giữ lãnh thổ, không đối đầu trực tiếp với các lực lượng quân đội.

Trong khi đó, IS huênh hoang có tới 30.000 chiến binh, chiếm giữ các khu vực lãnh thổ ở cả Syria và Iraq, có năng lực quân sự riêng, kiểm soát các tuyến hạ tầng chỉ huy và liên lạc, tự kiếm ngân sách duy trì hoạt động, tham gia rất nhiều chiến dịch quân sự phức tạp.

Theo GS Audrey Kurth Cronin, IS không phải là “một tổ chức khủng bố”, nó là một “ngụy quốc gia” do một nhóm quân đội truyền thống cố tìm cách kích động các hành vi khủng bố xuyên quốc gia.

Với Al-Qaeda, tổ chức này tự cho họ là đội quân tiên phong của phong trào vận động các cộng đồng Hồi giáo toàn cầu chống lại các luật lệ thế tục. Họ đang tham gia một cuộc chơi dài hơi.

Việc thành lập cái gọi là một quốc gia riêng của người Hồi giáo với Al-Qaeda là một mục tiêu xa xôi, gần như không tưởng. Vì vậy, Al-Qaeda tập trung việc giáo dục và vận động cộng đồng Hồi giáo trước. Họ tìm cách đào tạo nên các chiến binh tàn bạo, nhất là đàn ông, để hành động đại diện cho cộng đồng của mình.

Còn IS đã tuyên bố thành lập một quốc gia riêng của người Hồi giáo và đang ra sức chiêu mộ một số lượng lớn người nước ngoài (đàn ông, đàn bà và kể cả trẻ em). IS lôi kéo họ bằng tiềm năng xây dựng một xã hội thực thi các điều luật nghiêm khắc của người Hồi giáo.

IS không bận tâm về sự phản ứng của công luận với chúng. Sự tàn bạo của tổ chức này (các video tuyên truyền quay những cảnh chặt đầu hành quyết con tin, những cuộc tàn sát tập thể đẫm máu) đều được tạo ra nhằm đe dọa kẻ thù và làm nhụt ý chí những người có quan điểm đối lập.

IS trở nên hấp dẫn với những người đang khao khát quyền lực cá nhân. Nó cũng là tổ chức sử dụng rất hiệu quả hoạt động tuyên truyền có chủ đích trên các trang mạng xã hội.

Châu Á chưa nằm trong tầm ngắm của IS

Sau Trung Đông, dư luận bắt đầu dấy lên những đồn đoán lo ngại việc IS sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng của chúng sang các nước châu Á. Tuy nhiên, chuyên gia Audrey Kurth Cronin cho rằng, châu Phi mới là khu vực địa lý thứ hai trên thế giới mà IS muốn bành trướng thế lực sau Trung Đông.

Thực tế, IS đã mở rộng mạng lưới hoạt động của chúng thông qua việc phát triển các chi nhánh liên quan tại Bắc Phi, nhất là ở Libya và Tây Phi. Tại Tây Phi, lực lượng Boko Haram ở Nigeria gần đây đã lên tiếng thề trung thành với IS.

Mặc dù chưa phải đích ngắm lập tức tiếp theo của IS, nhưng nguy cơ lây lan của tổ chức này tới châu Á vẫn không hề nhỏ. GS Audrey Kurth Cronin cho rằng, đang có một cuộc cạnh tranh toàn cầu diễn ra trong cái gọi là phong trào “thánh chiến”. IS đang cố thuyết phục một số chi nhánh của Al-Qaeda hay các nhóm phiến quân nhỏ lẻ khác chuyển sang trung thành với chúng. IS biết rõ chúng đang là “thương hiệu hot” hiện tại.

Ở châu Á, IS đã thành công trong việc lôi kéo được các chi nhánh từng trung thành với tổ chức Al-Qaeda như nhóm Abu Sayyaf của Philippines (mặc dù nhóm này vẫn đang theo đuổi những chương trình riêng của nó).

Theo người đứng đầu cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, IS cũng có thể đang đào tạo các chiến binh tại Poso, một thành phố ở bờ biển phía đông nam tỉnh Central Sulawesi, Indonesia.

Cũng theo GS Audrey Kurth Cronin, ý tưởng huyễn hoặc của IS về một quốc gia riêng của người Hồi giáo đã lôi kéo hàng chục ngàn người tin theo chúng từ khắp nơi trên thế giới đổ về đầu quân dưới trướng IS, trong đó có cả những người châu Á.

Có một số lượng nhỏ các chiến binh IS đến từ các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore, New Zealand và Úc. Đôi khi những người này còn mang cả gia đình đi theo.

Tuy nhiên, các con số ước tính về lực lượng này rất khác nhau. Những nước châu Á có nhiều hơn cả số chiến binh đầu quân cho IS hiện nay là Úc (từ 100-250 người) và Indonesia (từ 30-60 người).

Với khu vực châu Á, nguy cơ đáng lo ngại nằm ở những việc các chiến binh nước ngoài do IS đào tạo về quân sự sẽ thực hiện khi họ trở lại quê nhà, cũng như những kẻ có tư tưởng thánh chiến sẽ gây ra hậu họa gì nếu chúng bị ngăn cấm không được rời khỏi lãnh thổ và tiến hành tổ chức tấn công ngay trong nước.

Một thông điệp vô cùng nguy hiểm của IS là chúng kích động mọi người lao vào bạo lực ngay cả khi họ ở bất cứ nơi đâu. Thực tế, GS Audrey Kurth Cronin khẳng định, các vụ tấn công khủng bố ở châu Á sẽ là nguy cơ gần như không thể tránh khỏi.

Do đó, từ góc nhìn của một chuyên gia về an ninh quốc tế, GS Audrey Kurth Cronin cho rằng, để giải quyết nguy cơ IS, về ngắn hạn, có 3 điều hết sức quan trọng:

Thứ nhất, các nước cần phải tăng cường hoạt động kiểm soát biên giới, tăng cường hợp tác trong việc kiểm soát cũng như chia sẻ tin tức tình báo ở cả phạm vi trong nước lẫn quốc tế.

Thứ hai, các nước cần tăng cường hợp tác trong khu vực nhằm chống lại hoạt động tích lũy tài chính của IS cũng như việc vận chuyển vũ khí của chúng.

Thứ ba, các nước phải giám sát chặt chẽ các nguy cơ khủng bố tiềm ẩn trong nước. Điều đó có nghĩa, phải theo dõi gắt gao với lực lượng chiến binh nước ngoài hồi hương và những kẻ bị IS kích động ở trong nước.

Mặc dù quan điểm tiếp cận của các nước có thể khác nhau, nhưng không gì có thể thay thế được việc hợp tác khu vực và hợp tác tình báo tốt trong khuôn khổ cho phép của pháp luật các nước để có thể chống IS hiệu quả.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.