.

Khó tìm giải pháp cho khủng hoảng Syria

.

Cuộc đối thoại vào ngày 9 và 10-12 ở Saudia Arabia giữa đại diện các nhóm đối lập đến từ Syria được cho là chưa từng có trong tiền lệ, nhằm thành lập liên minh thống nhất trước khi đối thoại với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Song, tìm tiếng nói chung giữa các nhóm này thật không dễ!

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Syria Walid al-Moallem trong một cuộc gặp gỡ tại Mátxcơva. Nga tuyên bố ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 							  Ảnh: AP
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và người đồng cấp Syria Walid al-Moallem trong một cuộc gặp gỡ tại Mátxcơva. Nga tuyên bố ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: AP

Cuộc gặp gỡ giữa đại diện các nhóm đối lập đến từ Syria diễn ra dưới sự bảo trợ của Saudi Arabia, nước hậu thuẫn chủ chốt cho phe Sunni - lực lượng muốn Tổng thống Bashar al-Assad từ nhiệm.

Đây là lần đầu tiên các nhóm đối lập ở Syria ngồi lại với nhau kể từ khi cuộc xung đột bùng phát vào tháng 3-2011. AFP cho biết, ngày thương thảo đầu tiên tập trung các vấn đề chính trị, trong đó có “chủ nghĩa khủng bố, lệnh ngừng bắn và tái thiết”.

Sự kiện này được tổ chức trong lúc các nước nỗ lực thúc đẩy ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria.

Tháng 11 vừa qua, tại Vienna (Áo), các nhà ngoại giao hàng đầu đến từ 17 nước, bao gồm cả những nước ủng hộ lẫn phản đối chính phủ của Tổng thống Assad (trong đó có Nga, Mỹ, các nước châu Âu và Trung Đông), đã thống nhất thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria trong 6 tháng và cuộc bầu cử sẽ được tiến hành trong vòng 18 tháng.

Theo kế hoạch hòa bình được đưa ra tại Vienna, ngày 1-1-2016 là hạn cuối để bắt đầu đàm phán giữa chính phủ Assad với các nhóm đối lập. Song, đàm phán tại Vienna để lại quá nhiều vấn đề bất đồng chưa được giải quyết, đặc biệt là về số phận của Tổng thống Assad.

Lần này, các đơn vị vũ trang được cho là tổ chức khủng bố không được mời đến Riyadh, như Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cả các nhóm người Kurd như Lực lượng Dân chủ Syria, được Mỹ ủng hộ, hay nhóm Hồi giáo Arab Sunni cũng không được mời.

Còn nhóm Ahrar al-Sham, đồng minh với Al-Nusra, tuyên bố rút khỏi đàm phán. Trong khi đó, Saudi Arabia khẳng định cuộc họp dành cho tất cả phe đối lập ôn hòa ở Syria.

Về phía Iran, là đồng minh của Tổng thống Assad, Tehran chỉ trích cuộc gặp ở Riyadh và cho rằng động thái như thế sẽ hủy hoại những nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria.

Vấn đề quan trọng đặt ra là sự chia rẽ giữa các nhóm đối lập, tức lực lượng nổi dậy. Ông Samir Nashar, thành viên thuộc Liên minh Dân tộc Syria, nói rằng đàm phán “khó khăn và rủi ro”, bởi vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt về số phận của Tổng thống Assad.

Theo ông Nashar, một số nhóm ủng hộ chính phủ Syria có thể đề nghị ông Assad ở lại trong quá trình chuyển tiếp. Song, các nhóm được Mỹ, Saudi Arabia và Qatar hậu thuẫn thì muốn ông Assad phải nhanh chóng từ nhiệm, dù Nga và Iran phản đối yêu cầu này.

Những nỗ lực trước đó của các cường quốc nhằm thúc đẩy giải pháp hòa bình ở Syria đều không thành công bởi không hàn gắn được các nhóm đối lập.

Chính phủ Syria hiện vẫn bác bỏ việc áp đặt một cơ quan chuyển tiếp ở quốc gia này. Damascus cho rằng, bất kỳ sự thay đổi về quyền lực nào cũng phải do chính người dân Syria quyết định.

Mỹ và các đồng minh đang kêu gọi phe đối lập Syria phối hợp để tìm được tiếng nói chung. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhấn mạnh: Sự kiện ở Riyadh sẽ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán trong tương lai.

Hiện Mỹ muốn tổ chức vòng 3 hội nghị quốc tế về Syria tại New York vào ngày 18-12 tới. Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin hoài nghi về cuộc hòa đàm mà Mỹ đề xuất. Ông Churkin cho rằng, các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài trong 4 năm qua ở Syria có thể bị thụt lùi khi các bên liên quan không có sự nhượng bộ.  

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.