.

Libya loay hoay thành lập chính phủ thống nhất

.

Lãnh đạo các Quốc hội đối lập ở Libya đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình của Liên Hợp Quốc trước khi văn bản này được các bên ký kết. Điều đó minh chứng sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Libya và thách thức những nỗ lực của quốc tế trong việc chấm dứt tình trạng bất ổn ở quốc gia Bắc Phi này.

Người Libya biểu tình ở thủ đô Tripoli nhằm phản đối thỏa thuận do Liên Hợp Quốc bảo trợ về việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở quốc gia này.                                    Ảnh: AFP
Người Libya biểu tình ở thủ đô Tripoli nhằm phản đối thỏa thuận do Liên Hợp Quốc bảo trợ về việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở quốc gia này. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, ông Aqila Salah, Chủ tịch Quốc hội Libya được quốc tế công nhận ở thành phố Tobruk, và ông Nuri Abu Sahmein, Chủ tịch Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) - cơ quan lập pháp cũ của Libya ở thủ đô Tripoli, gặp gỡ tại Malta vào ngày 15-12 (giờ địa phương).

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo 2 Quốc hội đối lập của Libya nhóm họp kể từ cách đây hơn 1 năm, thời điểm quốc gia Bắc Phi này bắt đầu rơi vào tình trạng có 2 chính phủ và 2 Quốc hội tồn tại song song.

Thỏa thuận do LHQ đưa ra kêu gọi ngừng bắn và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Hơn 1 năm qua, LHQ đã đứng ra làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa 2 chính phủ ở Libya và các nhóm vũ trang nhưng việc ký thỏa thuận cứ bị trì hoãn.

Lần này, thỏa thuận được dự kiến ký kết vào ngày 16-12 nhưng cả ông Aqila Salah lẫn ông Nuri Abu Sahmein đều cho rằng, thỏa thuận này do các cường quốc áp đặt, đồng thời đề nghị có thêm thời gian để vạch ra “sáng kiến Libya”.

Ông Sahmein khẳng định sẽ xem xét các nội dung của thỏa thuận nhưng đề nghị cộng đồng quốc tế nhìn nhận cuộc gặp gỡ ở Malta là cách để hướng đến sự đồng thuận tại Libya. Theo đó, thỏa thuận sẽ được ký kết vào ngày 17-12 tại Skhirat (Maroc), thay vì vào ngày 16-12.

Lần nhóm họp giữa ông Aqila Salah và ông Nuri Abu Sahmein diễn ra sau hội nghị quốc tế tại Rome (Ý) nhằm thúc đẩy các phe phái chính trị ở Libya nhanh chóng ký thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, tờ Times of Malta cho rằng, việc ký kết vẫn là điều còn xa.

Ông Sahmein hiện muốn có thêm thời gian và cảnh báo “hành động vội vàng sẽ dẫn đến nhiều vấn đề trong tương lai”. Trong khi đó, ông Sahmein tuyên bố, cả hai bên sẽ không chấp nhận sự can thiệp của nước ngoài vào thiện chí của người dân Libya”. Một thành viên của GNC tiết lộ với AP rằng, hai nhà lãnh đạo này đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận riêng rẽ mà không có sự liên quan của LHQ.

Nếu đạt được thỏa thuận thì các bên ở Libya sẽ thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong vòng 40 ngày. Đến đầu tháng 2-2016 sẽ thành lập một hội đồng để bổ nhiệm nội các. Sau đó, chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ từ thành phố Tobruk, miền đông Libya, trở về thủ đô Tripoli.

4 năm sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi, Libya hiện có 2 chính phủ và 2 Quốc hội. GNC là Quốc hội đã mãn nhiệm nhưng thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli vào tháng 8-2014 với sự hậu thuẫn của các nhóm phiến quân Hồi giáo. Vì vậy, chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở đến Tobruk.

Ngày 13-12 vừa qua, các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng của Libya cũng nhóm họp tại thành phố Rome (Ý) để thúc đẩy thỏa thuận. Phương Tây lo ngại rằng, nếu Libya không có chính phủ thống nhất và được quốc tế công nhận, thì dòng người tị nạn từ nước này một lần nữa sẽ ùn ùn kéo đến châu Âu. Hơn nữa, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể lợi dụng xung đột kéo dài để mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.