Với việc đưa lực lượng bộ binh đến Iraq, Mỹ đang thể hiện cam kết quyết tâm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Đây cũng là giải pháp để Washington “lấy lại thể diện” sau khi liên minh quốc tế do cường quốc này dẫn đầu chống IS suốt 16 tháng qua không mấy hiệu quả.
Các chiến binh người Kurd chuẩn bị vũ khí để chống IS ở thị trấn Sinjar, phía tây thành phố Mosul của Iraq. Ảnh: AFP |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Lầu Năm Góc sẽ đưa lực lượng đặc nhiệm viễn chinh đến Iraq để tiến hành chống IS tại quốc gia Trung Đông này và nước láng giềng Syria.
Như vậy, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích chống IS vào tháng 8-2014, Mỹ chính thức triển khai bộ binh đến Iraq.
Theo đó, quân đặc nhiệm sẽ phối hợp và hỗ trợ lực lượng an ninh của chính phủ Iraq. Reuters dẫn lời ông Carter điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng, các nhóm đặc nhiệm sẽ tổ chức “các cuộc vây ráp, giải cứu con tin, thu thập thông tin tình báo, bắt giữ các thủ lĩnh IS vào bất kỳ thời điểm nào”.
Mặc dù vẫn chưa biết bao nhiêu binh sĩ sẽ được điều động nhưng theo AFP, con số này là 200. Bộ trưởng Carter khẳng định: Việc đưa quân đặc nhiệm Mỹ đến Iraq sẽ là đòn giáng mạnh vào khủng bố.
Chính Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Joseph Dunford, ra quyết định triển khai kế hoạch nói trên.
Đây là sự thay đổi của người đứng đầu Nhà Trắng trong chiến dịch chống IS, theo nhận định của Fred Hof - cố vấn hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về Syria. Nhưng chuyên gia này nhấn mạnh: Ông Obama sẽ không đưa các binh sĩ của mình vào một cuộc chiến tranh mặt đất trên quy mô lớn.
Song, trong một tuyên bố vào ngày 2-12, Văn phòng của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hoan nghênh sự trợ giúp của nước ngoài nhưng khẳng định chính phủ Baghdad có đủ khả năng đánh bại IS và nước ông chỉ cần “huấn luyện, vũ khí, cố vấn từ cộng đồng quốc tế”.
Theo Thủ tướng Abadi, lực lượng chiến đấu mặt đất đến từ nước ngoài không cần thiết hiện diện ở Iraq và những động thái như vậy phải có sự phê chuẩn cũng như sự phối hợp toàn diện của chính phủ nước ông.
Các nhóm Hồi giáo vũ trang người Shiite cũng cam kết chống lại bất kỳ sự triển khai lực lượng nào của Mỹ tại Iraq. Điều đáng nói là các quan chức Mỹ lại cho rằng, kế hoạch triển khai quân đặc nhiệm đã được bàn thảo với chính phủ Iraq trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Carter công bố.
Ngày 2-12, phát biểu với báo giới tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay, Chính phủ Iraq hoàn toàn nắm rõ kế hoạch triển khai quân đặc nhiệm.
Ở trong nước, Tổng thống Obama đang phải chịu áp lực lớn về việc thúc đẩy nỗ lực của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu để chống IS, nhất là sau các vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 13-11 vừa qua làm 130 người chết.
Ông chủ Nhà Trắng buộc phải cam kết triển khai số lượng lớn binh sĩ mặt đất, thay vì chỉ đưa các số vấn và lực lượng hỗ trợ an ninh đến Iraq. Hiện có khoảng 3.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq nhưng chỉ hỗ trợ nước sở tại đào tạo lực lượng an ninh.
Các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Obama quá chậm chạp trong việc chống IS, trong khi lực lượng này kiểm soát vùng rộng lớn lãnh thổ Iraq và Syria, đồng thời nhận trách nhiệm về các vụ tấn công ở Paris vừa qua. Một số nhà quan sát cũng tỏ ra không mấy lạc quan vào sự thay đổi chiến dịch lần này của Mỹ.
BÌNH YÊN