Trong Thông điệp liên bang ngày 3-12, Tổng thống Vladimir Putin thề không bao giờ quên việc Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga và cảnh báo Ankara sẽ “không ngừng hối tiếc”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu Thông điệp liên bang, đề cập chủ yếu đến mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP |
Vấn đề chống khủng bố, vụ máy bay Su-24 bị bắn rơi ở biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước là những nội dung chính được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập trong Thông điệp liên bang tại Điện Kremlin ngày 3-12. Trước đó, giới phân tích dự đoán ông Putin sẽ dùng bài phát biểu thường niên này để chuyển thông điệp cảnh báo đến Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc mối quan hệ giữa Mátxcơva và Ankara căng thẳng. Đây là bản thông điệp liên bang thứ 22 trong lịch sử nước Nga hiện đại và là thông điệp thứ 12 của Tổng thống Putin.
“Họ đã sai lầm nghiêm trọng”
Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Putin nói rằng, Điện Kremlin sẽ phê chuẩn thêm các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về việc đã bắn rơi máy bay. Nga đã cấm một số thực phẩm được nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trả đũa Ankara. Trong bài phát biểu, ông Putin không nói cụ thể sẽ tăng thêm những biện pháp trừng phạt nào nhưng đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ để thể hiện sự tức giận đối với hành động của Ankara hôm 24-11. “Chúng tôi không có ý định đe dọa quân sự. Nhưng nếu ai đó nghĩ rằng, khi gây ra tội ác chiến tranh tồi tệ này, sát hại người dân của chúng tôi, họ có thể thoát tội sau một số biện pháp trừng phạt liên quan đến cà chua hay hạn chế về xây dựng và những lĩnh vực khác, thì họ đã sai lầm nghiêm trọng”, ông Putin nói, đồng thời gọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “bắn vào lưng của các phi công Nga”.
Nhà lãnh đạo Nga thề sẽ không bao giờ quên việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của nước ông và không bỏ qua việc Ankara “hỗ trợ khủng bố” cũng như “luôn xem sự phản bội là một hành động tệ hại nhất, hèn hạ nhất. Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ không ngừng nhắc nhở về những gì họ đã làm và họ sẽ không ngừng hối tiếc về hành động của mình”.
Theo ông chủ Điện Kremlin, trong những năm gần đây, Nga đã thúc đẩy cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không hiểu sao Ankara lại bắn rơi máy bay Su-24. “Chỉ có Thánh Allah mới biết vì sao họ làm như vậy. Và có lẽ Thánh Allah đã quyết định trừng phạt những người cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách làm cho họ mất trí khôn và sự tỉnh táo”, ông Putin nói.
Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu mỏ từ IS?
Tổng thống Nga cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố là cuộc đấu tranh vì tự do, sự thật và công bằng, vì cuộc sống con người, vì tương lai của nhân loại. Song, cuộc chiến chống khủng bố trên thế giới hiện nay ngày càng gay go vì các nhóm khủng bố được cung cấp tài chính. Ông nhắc lại cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu mỏ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời thúc giục kết thúc những gì mà ông gọi là “tiêu chuẩn kép” - vốn hủy hoại nỗ lực thống nhất của toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố.
Ông Putin nói: “Bất kỳ nhà nước văn minh nào trong lúc này cũng có trách nhiệm góp phần vào việc tiêu diệt bọn khủng bố, có trách nhiệm khẳng định tình đoàn kết của mình, không bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể. Điều đó có nghĩa là không được dành bất kỳ nơi trú ẩn nào cho bọn khủng bố. Không được có bất kỳ tiêu chuẩn kép nào. Không được có bất kỳ cuộc tiếp sức nào cho tổ chức khủng bố. Không được có bất kỳ toan tính lợi dụng khủng bố để phục vụ cho mục tiêu của mình. Không được có bất kỳ hoạt động kinh doanh tội lỗi đẫm máu nào với bọn khủng bố”.
Trước đó, các quan chức Nga liên tục cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ dính líu đến hoạt động mua bán dầu mỏ với IS. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov khẳng định với báo giới: “Cấp cao nhất trong ban lãnh đạo chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan và gia đình ông đã dính líu tới hoạt động mua bán trái phép này”. Thậm chí, Bộ Quốc phòng Nga còn công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy các xe chở dầu đi từ vùng lãnh thổ do IS kiểm soát đến Thổ Nhĩ Kỳ...
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ những chỉ trích của Nga. Theo AFP, ngay sau khi ông Putin có bài phát biểu nói trên, Tổng thống Erdogan nói rằng, Ankara có bằng chứng về việc chính Mátxcơva liên quan các hoạt động mua bán dầu mỏ bất hợp pháp với IS ở Syria. “Chúng tôi có bằng chứng trong tay. Chúng tôi sẽ tiết lộ nó với toàn thế giới”, Tổng thống Erdogan phát biểu trên đài truyền hình ở Ankara.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Putin cũng đánh giá về tình hình kinh tế của Nga, thừa nhận những khó khăn, thách thức mà nước ông đang gặp phải. Ông còn nói đến sức mạnh của nước Nga, đó là sự phát triển tự do của tất cả các dân tộc, sự đa dạng, hài hòa các nền văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống… Theo đó, Nga kiên quyết chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cực đoan, giữ gìn sự hòa hợp giữa các dân tộc và tôn giáo… “Đó là nền tảng lịch sử của xã hội chúng ta và của thể chế nhà nước Nga”, Tổng thống Putin khẳng định.
Quan chức ngoại giao Nga và Thổ nhóm họp Tối 3-12, tại Belgrade, thủ đô của Serbia, các quan chức ngoại giao Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga. Cuộc gặp này diễn ra bên lề cuộc họp thường niên của Hội đồng Bộ trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Sau khi gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng tại Belgrade một ngày trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng, ông dự kiến gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. “Chúng tôi sẽ không tránh cuộc tiếp xúc này”, ông Lavrov nói. Hãng AFP cho biết, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phủ bóng lên các cuộc đàm phán của các nhà ngoại giao ở Belgrade. |
PHÚC NGUYÊN