.
TÀU ĐỤNG ĐỘ TRÊN BIỂN AEGEA

Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng tức giận với Nga

.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phản ứng tức giận, nói rằng sự kiên nhẫn của Ankara đối với Nga là “có giới hạn” sau khi tàu của hai nước đã đụng độ nhau trên biển Aegea vào cuối tuần qua.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ không diễn ra vào ngày 15-12 tại St. Petersburg như dự kiến. TRONG ẢNH: Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 16-11 vừa qua.  			                        Ảnh: AP
Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ không diễn ra vào ngày 15-12 tại St. Petersburg như dự kiến. TRONG ẢNH: Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 16-11 vừa qua. Ảnh: AP

Ngày 14-12, trả lời phỏng vấn nhật báo Corriere della Sera của Ý, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, tàu của nước ông trên biển Aegea chỉ là tàu cá và “phản ứng của tàu hải quân Nga là thái quá”.

Theo Reuters, tàu khu trục tuần tra Smetlivy của Nga di chuyển ở vị trí cách đảo Lemnos của Hy Lạp, phía bắc biển Aegea, khoảng 22km vào ngày 13-12 đã nổ súng cảnh cáo tàu Thổ Nhĩ Kỳ để tránh nguy cơ va chạm khi phát hiện tàu cá của Ankara ở cách 600m. Sau đó, tàu cá này đổi hướng và di chuyển qua tàu Smetlivy ở khoảng cách 540m.

Nga cho rằng, tàu cá đã không có hồi đáp nào trước những nỗ lực liên lạc qua radio của tàu Smetlivy. Bộ Quốc phòng Nga đã triệu tập Tham tán quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Mátxcơva để phản đối và yêu cầu giải thích.

Vụ việc càng làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước, vốn có quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” kể từ khi Ankara bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Mátxcơva hồi tháng trước. Nga đã áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho lực lượng nước ông “bắn hạ ngay lập tức bất kỳ mục tiêu nào” đe dọa quân đội và cơ sở hạ tầng của Nga ở Syria.

Trong phản ứng lần này, Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh: “Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn phải thiết lập lại quan hệ niềm tin nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi có giới hạn”. Nhà ngoại giao này còn gay gắt cho rằng, Nga đã “tự đặt mình vào vị thế nực cười” khi Tổng thống Putin cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 nhằm bảo vệ hệ thống cung cấp dầu từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). “Không ai tin điều này”, ông Cavusoglu nói.

Hãng Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Cavusoglu chỉ trích Nga can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng ở Syria. Ông cho rằng, mục đích của Mátxcơva là ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, chứ không phải là chống IS.

Theo ông Cavusoglu, chỉ 8% số vụ không kích của Nga nhằm vào IS, trong khi có đến 92% số vụ nhằm vào các nhóm khác vốn đối đầu với Tổng thống Assad.

Trước đó, ngày 11-12, Ngoại trưởng Cavusoglu cũng cảnh báo sự kiên nhẫn của Ankara đối với Mátxcơva là “có giới hạn”. Song, ngay sau khi xảy ra nguy cơ va chạm giữa hai tàu trên biển Aegea, ông Cavusoglu đang có mặt tại Rome (Ý), vẫn bày tỏ mong muốn giải quyết các khó khăn với Nga. “Chúng tôi muốn giải quyết căng thẳng bằng đối thoại”, ông  Cavusoglu khẳng định.

Trong lúc đó, Nga vẫn giữ quan điểm cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng trong ngày 14-12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hội nghị thượng đỉnh song phương giữa Tổng thống Putin với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ không diễn ra.

Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo này được dự kiến vào hôm nay (15-12) tại thành phố St. Petersburg của Nga.

Trả lời phỏng vấn hãng RIA Novosti, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Vitaly Churkin chỉ trích cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Mỹ đều vi phạm nghị quyết của LHQ.

Theo ông Churkin, Nghị quyết 2199 của LHQ yêu cầu các quốc gia phải cung cấp thông tin về nguồn tài chính của khủng bố với Hội đồng Bảo an nếu các nước có những thông tin đó. Tuy nhiên, cả Ankara lẫn Washington đã không làm như vậy trong khi 2 nước này biết những hoạt động buôn pháp dầu mỏ bất hợp pháp của IS.

Bộ Quốc phòng Nga từng đưa ra các bằng chứng cho thấy dầu mỏ đã được IS vận chuyển trái phép đến Thổ Nhĩ Kỳ. Mátxcơva còn phanh phui rằng, ông Bilal Erdogan, con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, giao dịch dầu mỏ trực tiếp với IS. Về phía Mỹ, giới chức cường quốc này cũng từng xác nhận, số lượng dầu được vận chuyển không đáng kể, nghĩa là theo cáo buộc của Nga thì Washington đã biết vụ việc.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.