.

Bình Nhưỡng ra "tối hậu thư"

.

Bình Nhưỡng muốn có hiệp ước hòa bình với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, đồng thời sẽ không dừng các vụ thử hạt nhân cho đến khi đạt được hiệp ước này.

Người dân Hàn Quốc tuần hành ở Seoul ngày 8-1, yêu cầu biểu dương sức mạnh của liên minh Hàn - Mỹ.  						 	            Ảnh: AP
Người dân Hàn Quốc tuần hành ở Seoul ngày 8-1, yêu cầu biểu dương sức mạnh của liên minh Hàn - Mỹ. Ảnh: AP

Hãng Reuters dẫn tuyên bố của CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh nước này sẽ thử hạt nhân cho đến khi Mỹ và Trung Quốc muốn ký hiệp ước hòa bình. Cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 đã kết thúc trong tình trạng đình chiến, chứ không có hiệp ước hòa bình, do Mỹ (đại diện lực lượng Liên Hợp Quốc), quân đội CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc ký kết. Giờ đây, CHDCND Triều Tiên muốn cả ba bên và Hàn Quốc cùng ký hiệp ước.

Tuyên bố của CHDCND Triều Tiên nêu rõ: “Vụ nổ lần này (vụ động đất mạnh 5,1 độ Richter, tức vụ thử bom H xảy ra vào sáng 6-1) chủ yếu để Mỹ thấy. Mục đích chính là để Mỹ ngồi vào bàn đàm phán cùng 4 nước kết thúc cuộc chiến đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên”. Thực tế, Mỹ và Trung Quốc đang “treo” vấn đề cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên, trong đó có việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và ủng hộ một hiệp ước hòa bình nếu Bình Nhưỡng chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên tin rằng, Mỹ sẽ chỉ đàm phán nếu Bình Nhưỡng biểu dương sức mạnh bằng vũ khí của mình. Và với yêu cầu hiệp ước hòa bình bị phớt lờ, Bình Nhưỡng đã chọn cách tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.  

Không những thế, CHDCND Triều Tiên còn muốn chuyển tiếp thông điệp về vụ thử bom H đến với Trung Quốc, thúc giục cường quốc châu Á này ủng hộ hiệp ước. “Trung Quốc không nên theo Mỹ”, nguồn tin từ CHDCND Triều Tiên khuyến cáo, đồng thời cho rằng “không đề cập hiệp ước hòa bình là một sai lầm chiến lược”.

Trung Quốc là đồng minh và là nước hậu thuẫn chính về kinh tế đối với CHDCND Triều Tiên. Song, Bắc Kinh hiện phản đối chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Thế nhưng, Bắc Kinh không sẵn sàng đưa ra những hành động cứng rắn hơn, chẳng hạn việc đóng cửa hoàn toàn biên giới với Bình Nhưỡng. Ngày 8-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, Bắc Kinh ủng hộ việc giải quyết quan ngại của tất cả các bên và đạt được hiệp ước hòa bình thông qua đàm phán 6 bên.

Năm 2005, CHDCND Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga trong việc ngừng chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy quan hệ ngoại giao cùng sự hỗ trợ về năng lượng. Song, đàm phán sụp đổ trong vòng cuối cùng vào năm 2008.

Giờ đây, theo Reuters, áp lực đang gia tăng lên Trung Quốc bởi Mỹ muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, đồng thời muốn Bắc Kinh không tiếp tục giao dịch thương mại với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, sự tiếp cận của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên đã không thành công. Tuy nhiên, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định: “Chìa khóa để giải quyết vấn đề không thuộc về Trung Quốc”.

Về phía Hàn Quốc, Quốc hội nước này ngày 8-1 đã thông qua nghị quyết lên án CHDCND Triều Tiên về vụ thử bom H. Nghị quyết kêu gọi quốc gia phía Bắc từ bỏ các chương trình hạt nhân, đồng thời cảnh báo hành động như thế sẽ chỉ khiến cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép.

Thượng viện Nhật Bản cũng thông qua nghị quyết phản đối việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân. Nghị quyết cho rằng, vụ thử đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với nỗ lực của quốc tế nhằm không phổ biến vũ khí hạt nhân. Thượng viện Nhật Bản còn yêu cầu CHDCND Triều Tiên từ bỏ toàn bộ các chương trình hạt nhân, chấp thuận cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành thanh sát và thực hiện các bước giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.