.

​Cận cảnh chương trình máy bay không người lái của Triều Tiên

.

Trong hơn 25 năm qua, CHDCND Triều Tiên đã phát triển thành công hệ thống máy bay không người lái tiên tiến, có khả năng thực hiện cả không kích và thâm nhập sâu.

Một chiếc máy bay không người lái Triều Tiên ra mắt trong buổi diễu hành quân sự ngày 15-4-2012 - Ảnh: Sputnik
Một chiếc máy bay không người lái của Triều Tiên ra mắt trong buổi diễu hành quân sự ngày 15-4-2012 - Ảnh: Sputnik

Theo số liệu quân sự của Chính phủ Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đang sở hữu tổng cộng 300 máy bay không người lái. Đặc biệt, một vài chiếc trong số này có khả năng trinh sát sâu cũng như thực hiện các cuộc không kích “cảm tử”.

Bên cạnh vũ khí hạt nhân và tên lửa được trang bị dọc hai bên thân máy, máy bay không người lái Triều Tiên còn có thể mang lại cho Bình Nhưỡng nhiều thông tin tình báo và khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng của Hàn Quốc với xác suất thành công cao.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào Triều Tiên có thể phát triển được hệ thống máy bay không người lái tiên tiến như vậy trong điều kiện đất nước còn nghèo khó và người dân phải đối mặt với nạn đói triền miên?

Theo chuyên gia quốc phòng Joseph Bermudez, nền tảng của hệ thống này bắt nguồn từ giai đoạn 1988-1990 khi Triều Tiên nhận được nhiều chiếc máy bay không người lái (UAV) đầu tiên từ Trung Quốc.

Đến cuối năm 1993, Triều Tiên được cho là sản xuất thành công hệ thống máy bay không người lái riêng với tên gọi Panghyon (nghĩa là “Lá chắn”), mô phỏng từ chiếc Xian ASN-104 của Trung Quốc.

Năm 1994, Triều Tiên tiếp tục xem xét máy bay trinh sát Tu-143 Reys, được hỗ trợ động cơ phản lực từ quân đội Syria. Nhiều người cho rằng sau đó Triều Tiên đã tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân và sinh học cho chiếc máy bay.

Cùng năm đó, Triều Tiên mua thêm 10 máy bay Pchela-1T (nghĩa là “Con ong”) từ Viện Nghiên cứu khoa học Kulon, Nga. Pchela-1T chính là mẫu máy bay biến thể từ chiếc Shmel-1, được Cục thiết kế Yakovlev cải tiến để có thể điều khiển qua truyền hình.

Năm 2001, Triều Tiên tiếp tục tỏ ý muốn mua thêm máy bay Pchela trong chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong Il đến Nga. Vào khoảng thời gian đó, viện đã phát triển thành công phiên bản Pchela-1K có điều khiển hồng ngoại, có khả năng hoạt động được vào ban đêm.

Vào tháng 2-2012, một nguồn tin quân sự cho biết Triều Tiên tiếp tục phát triển một máy bay tàng hình mô phỏng chiếc MQM-107 Streaker do Mỹ chế tạo, được mua lại từ một quốc gia Trung Đông (có thể là Syria hay Ai Cập).

Chiếc máy bay này sau đó được đưa ra trình diễn trong buổi diễu hành quân sự vào tháng 3-2013.

Sau tất cả các động thái trên, Hàn Quốc đã phát động cảnh báo chính thức vào tháng 4-2014, sau khi ba chiếc UAV “mini” xuất hiện bên trong lãnh thổ. Phía Hàn Quốc khẳng định những chiếc máy bay này được lập trình với chế độ định vị GPS, nhằm ghi lại hình ảnh các địa điểm chiến sự ở Hàn Quốc, trong đó có cả văn phòng Tổng thống ở Seoul.

Sau đó, giới chức Hàn Quốc còn phát hiện chiếc máy bay này từng xuất hiện trong nhiều bức ảnh chụp Chủ tịch Kim Jong Un đến thăm một căn cứ không quân vào tháng 3-2013. Từ đó, họ nhận định rằng Triều Tiên đã nhiều lần đưa máy bay không người lái sang lãnh thổ Hàn Quốc mà không bị phát hiện.

Cuối năm 2015, Hàn Quốc đã triển khai một hệ thống rađa nhằm phát hiện các máy bay do thám tầm thấp, và phát hiện thành công một chiếc máy bay không người lái từ phía Triền Tiên vào ngày 13-1 vừa qua.

Với lực lượng quân mặt đất nã súng thị uy và loa phóng thanh phát đi lời cảnh báo từ phía bên kia vùng phi quân sự (DMZ), phía Hàn Quốc đã khiến chiếc máy bay thoái lui về lại lãnh thổ Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định hệ thống này của Hàn Quốc vẫn chưa thật sự đảm bảo vì đòi hỏi lực lượng quân bộ đáng kể dọc mỗi khu vực DMZ. Bên cạnh đó, vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên đã phát triển thành công chương trình bay mà không bị rađa phát hiện hay không.

Theo Tuổi trẻ

;
.
.
.
.
.