.
CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ

Áp lực với Thủ tướng Đức

.

Bộ trưởng Giao thông Đức Alexander Dobrindt thúc giục Thủ tướng Angela Merkel chuẩn bị đóng cửa biên giới nước này để ngăn dòng người di cư tiếp tục đổ vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Những người tị nạn đang đứng trong một chiếc xe bus ở thị trấn Landshut của bang Bavaria, Đức.    						 Ảnh: Reuters
Những người tị nạn đang đứng trong một chiếc xe bus ở thị trấn Landshut của bang Bavaria, Đức. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ông Alexander Dobrindt cho rằng, trong trường hợp không thể đáp ứng những thỏa thuận được thống nhất trên toàn châu Âu về người tị nạn, thậm chí thủ đô Berlin sẽ phải “đơn phương” hành động theo cách của mình.

Đóng cửa biên giới

Cũng theo Bộ trưởng Giao thông Alexander Dobrindt, nước Đức không thể tiếp tục thể hiện trước thế giới một “gương mặt thân thiện” - cụm từ bà Merkel đã dùng khi những người tị nạn bắt đầu đổ vào quốc gia này trong mùa hè năm ngoái.

Ông Dobrindt không ngần ngại khi khẳng định, nếu số di dân mới không sớm giảm, nước Đức cần phải độc lập hành động để giải quyết tình trạng khủng hoảng này. Báo Muenchner Merkur dẫn lời ông Dobrindt nói: “Tôi khẩn thiết khuyến cáo chúng ta phải tự chuẩn bị việc không tránh khỏi: phải đóng cửa biên giới”.

Các đảng phái trong chính phủ Đức thời gian qua đã gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Angela Merkel về chính sách đối với người tị nạn của bà. Chỉ riêng năm ngoái, với sự “mở cửa” của chính sách đó, 1,1 triệu người nhập cư đã vào Đức.

Báo Der Spiegel dẫn lời ông Horst Seehofer, Chủ tịch nhóm CSU trong Quốc hội Đức cho biết, trong 2 tuần tới, ông sẽ gửi chính phủ liên bang một yêu cầu viết tay về việc cần phải khôi phục “tình trạng có trật tự” tại các khu vực biên giới của Đức. Bang Bavaria là cửa ngõ chính để vào Đức của người tị nạn.

Bộ trưởng Giao thông Dobrindt nhấn mạnh quan điểm: “Tôi muốn khuyên rằng, tất cả chúng ta nên chuẩn bị cho một kế hoạch B”. Trong khi đó, Thủ tướng Merkel cam kết sẽ “giảm thiểu hợp lý” số người nhập cư vào Đức trong năm 2016 nhưng bác bỏ việc đưa ra một mức “trần” vì cho rằng, làm như vậy sẽ dẫn tới việc buộc phải đóng cửa các biên giới của Đức.

Thay vì vậy, bà Merkel cố thuyết phục các nước châu Âu khác đảm nhiệm hạn mức được phân chia về số người tị nạn, thúc đẩy việc thành lập các trung tâm tiếp nhận thuộc những khu vực biên giới ngoài châu Âu.

Thủ tướng Đức cũng chỉ đạo một chiến dịch hành động của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ “giữ chân” người tị nạn ở lại lãnh thổ của họ mà không tiếp tục di chuyển vào khối này. Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp đó rất chậm chạp.

Bộ trưởng Giao thông Đức phản đối lập luận của bà Merkel khi cho rằng, việc đóng cửa biên giới Đức sẽ gây tổn hại cho các chương trình hành động của châu Âu. “Nếu không đóng cửa biên giới, cứ để mọi việc tiếp tục diễn ra, điều đó mới làm cho châu Âu khuỵu gối”, ông Dobrindt nói.

Sàng lọc đối tượng tị nạn

Trong một diễn biến khác liên quan, hãng AFP cho biết, chính phủ Đức cũng đang có kế hoạch triển khai những biện pháp nhằm đẩy nhanh quá trình trục xuất những di dân người Algeria và Maroc muốn xin tị nạn tại Đức, trong đó có cả biện pháp đưa họ vào những trung tâm đặc biệt chờ trục xuất.

Các biện pháp mạnh tay được đề xuất trong bối cảnh số di dân từ 2 quốc gia này đến Đức tăng vọt thời gian qua. Cùng với đó là sự phẫn nộ của công luận sau các vụ tấn công tình dục xảy ra vào đêm giao thừa vừa rồi tại thành phố Cologne, phía tây nước Đức, mà thủ phạm bị quy kết cho những người Bắc Phi và di dân Arab.

Báo Welt am Sonntag cho biết, Thủ tướng Merkel và Thống đốc bang Bavaria, Horst Seehofer, đã nhất trí việc không cho phép những người Algeria và người Maroc được cư trú trong các cơ sở tị nạn trên toàn nước Đức.

Thay vào đó, họ sẽ phải trú tạm trong các cơ sở chờ trục xuất đã có tại bang Bavaria cho đến khi có lệnh chính thức phải rời đi. Điều này tương tự với cách thức hiện đang áp dụng với những người bị từ chối cấp phép tị nạn ở các nước vùng Balkan.

Chính quyền Đức tuyên bố họ muốn dành thêm nguồn lực để giúp những người tị nạn đích thực, đó là những người phải rời bỏ quê nhà vì chiến tranh như cư dân Syria. Theo đó, những nước như Albania, Kosovo, Macedonia, Montenegro và Serbia được phía Đức cho là những quốc gia an toàn. Do vậy, cư dân những nước này có rất ít cơ hội được cấp cơ chế tị nạn tại Đức. Đức cũng có kế hoạch đưa Algeria và Maroc vào danh sách này.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.