.

Cơ hội cuối để cứu hiệp ước Schengen

.

Hiệp ước Schengen về việc đi lại tự do giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có nguy cơ sụp đổ trước “cơn bão” người nhập cư chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Người nhập cư từ Hy Lạp vào Macedonia. Macedonia đã đóng cửa biên giới với Hy Lạp để ngăn dòng người nhập cư.  							  Ảnh: AP
Người nhập cư từ Hy Lạp vào Macedonia. Macedonia đã đóng cửa biên giới với Hy Lạp để ngăn dòng người nhập cư. Ảnh: AP

Theo báo Financial Times, hiệp ước Schengen cho phép công dân các nước thuộc EU được phép đi lại không cần hộ chiếu giữa nhiều quốc gia trong khối. Đây là một trong những biểu hiện thực tiễn nhất của sự thống nhất trong EU. Hiệp ước Schengen góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại gần gũi hơn giữa 22 quốc gia thành viên EU, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy du lịch.

Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng cả về kinh tế lẫn tính biểu tượng đoàn kết, Schengen đang có nguy cơ bị “bức tử” trước làn sóng ồ ạt người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi đổ vào châu Âu. Nếu muốn cứu Schengen, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải thể hiện tinh thần đoàn kết tập thể và ý chí chính trị mạnh mẽ hơn nữa, điều mà đến nay người ta vẫn thấy thiếu trong cách EU hành xử với cuộc khủng hoảng người nhập cư.

Chưa bảo vệ biên giới ngoài EU

Sự hỗn loạn với hiệp ước Schengen hiện nay có nguyên nhân từ việc thiếu toàn vẹn trong cách thức hoạt động như một hệ thống chung của khối. Mặc dù các quốc gia thành viên đều đã gỡ bỏ những rào cản biên giới giữa các nước trong khối với nhau, nhưng họ lại chưa thực thi một cơ chế chung mạnh mẽ để bảo vệ đường biên giới bên ngoài EU.

Điều này không gây rắc rối khi lượng người nhập cư đổ vào EU không lớn. Tuy nhiên, nó đã sinh chuyện khi những bất ổn chính trị ở Syria và Libya sau năm 2011 tạo ra làn sóng di cư từ những khu vực này ồ ạt đổ về châu Âu, buộc nhiều chính phủ trong khối phải cấp tập dựng rào bảo vệ biên giới.

Trong những tháng qua, Đức, Áo, Hungary, Đan Mạch, Thụy Điển và nhiều nước khác đã tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn dòng người nhập cư. Đến nay, các nước EU vẫn chưa thể đạt được nhất trí trong việc chia sẻ hạn mức người di cư mà mỗi nước phải có trách nhiệm chia sẻ.


Trước làn sóng người di cư, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo, EU sẽ “còn tối đa 2 tháng” để kiểm soát tình hình này, nếu không sẽ phải đối mặt với việc “sụp đổ hiệp ước Schengen”.

Cái giá để duy trì Schengen

Ở cương vị của mình, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đưa ra những kế hoạch cần thiết. Tháng 12-2015, EC kêu gọi tăng cường kiểm soát biên giới EU thông qua hoạt động của tổ chức bảo vệ biên giới. EC cũng đề xuất cải tổ chính sách giải quyết cơ chế tị nạn cho người nhập cư.

Theo những nguyên tắc hiện tại, quốc gia đầu tiên mà người tị nạn đặt chân tới phải chịu trách nhiệm giải quyết đơn xin cấp cơ chế tị nạn của họ. Theo đó, nếu di dân được tiếp nhận, quốc gia đầu tiên đó cũng sẽ phải lo tạo điều kiện cư trú cho họ. EC đề xuất loại bỏ nguyên tắc này vì cho rằng, cần phân bổ đều số người xin tị nạn cho các quốc gia trong toàn khối, mức độ phân bổ căn cứ theo tình hình kinh tế của từng nước.

Đề xuất của EC rõ ràng hợp lý. Bởi lẽ, sẽ là vô lý khi trút lên vai Hy Lạp và Ý gánh nặng giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư với hàng trăm ngàn di dân chỉ vì vị trí địa lý ngẫu nhiên của họ.

Tuy nhiên, những đề xuất về việc phân bổ hạn mức tiếp nhận người tị nạn trên toàn EU vẫn chưa thể thực hiện vì một số chính phủ trong khối đã không thuyết phục được người dân về chính sách này. Tình trạng bế tắc đó có lẽ còn kéo dài dài. Nếu thế, các nước thành viên chủ chốt EU rất có thể sẽ buộc phải thiết lập vùng Schenge với những điều kiện hạn chế ngặt nghèo hơn của chính họ, loại trừ những quốc gia không muốn tuân thủ chính sách chung về cơ chế nhập cư.

EU sẽ phải hành động trên rất nhiều mặt trận nếu khối này muốn tìm cơ hội giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Trước hết, khối này cần tiếp tục tăng cường những áp lực cần thiết để đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Syria, chấm dứt tình trạng hỗn loạn của cuộc nội chiến.

EU cũng cần dồn thêm nguồn tài chính cho 3 nước đang phải chật vật bảo trợ nhiều người tị nạn nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon. Các nước EU, đặc biệt là Đức, cũng phải tăng cường năng lực tiếp nhận người nhập cư và giúp họ hòa nhập với nơi cư trú mới.

Song, thời khắc quyết định vẫn đang đe dọa Schengen, hiệp ước đã mang lại lợi ích cho châu Âu lâu nay và đang phải đối mặt với nguy cơ “tồn tại hay không tồn tại”.

Nếu bảo tồn hiệp ước Schengen, các bên tham gia sẽ phải chấp nhận thực tế, bên cạnh những lợi ích chung từ việc chia sẻ biên giới, họ cũng phải chấp nhận tất cả những điều kiện đi kèm. Còn nếu trong trường hợp cái giá để duy trì hiệp ước Schengen là thu hẹp phạm vi áp dụng của nó thì rất có thể điều này sẽ xảy ra.

DƯƠNG QUANG

;
.
.
.
.
.