.

Khủng hoảng Saudi Arabia - Iran leo thang

.

Căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran trở thành cuộc khủng hoảng ngoại giao toàn diện khi Riyadh và các đồng minh Arab Sunni cắt đứt hoặc hạn chế quan hệ với Tehran. Cuộc đối đầu này sẽ làm cơ hội hòa bình ở Syria trở nên xa vời.

Những phụ nữ Iran tuần hành ở thủ đô Tehran phản đối việc Saudi Arabia tử hình giáo sĩ Nimr al-Nimr.                                 Ảnh: AFP
Những phụ nữ Iran tuần hành ở thủ đô Tehran phản đối việc Saudi Arabia tử hình giáo sĩ Nimr al-Nimr. Ảnh: AFP

Sau khi Iran phản ứng tức giận về việc Saudi Arabia tử hình giáo sĩ Hồi giáo Shi’ite Nimr al-Nimr với tội danh khủng bố, Riyadh và sau đó là Bahrain và Sudan đã cắt đứt quan hệ với Tehran. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố giảm mức độ quan hệ với Iran, đồng thời triệu đại sứ tại Tehran về nước. Kuwait cũng triệu đại sứ về nước trong ngày 5-1.

Các nước châu Âu và cường quốc ở khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại xung quanh căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại với những người đồng cấp Riyadh và Tehran; phía Mátxcơva đề nghị làm trung gian để hàn gắn mối quan hệ này.

Đại sứ Liên Hợp Quốc (LHQ) về Syria đã đến các thành phố Riyadh và Tehran để xoa dịu căng thẳng. Một quan chức Mỹ cho hay, Washington đang thúc giục các bên bình tĩnh và giảm leo thang.

Hãng Reuters cho biết, trong cuộc gặp gỡ với Ngoại trưởng Đan Mạch Kristian Jensen tại Tehran ngày 5-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, Saudi Arabia không thể che giấu “tội ác của mình” khi tử hình giáo sĩ Nimr bằng cách cắt đứt quan hệ với nước ông.

Nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo, sự bất đồng có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố; đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng ngoại giao và đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề giữa hai nước.

Theo AFP, cuộc khủng hoảng làm gia tăng quan ngại về bạo lực sắc tộc ở Trung Đông, minh chứng là người Shi’ite đã tấn công thánh đường Hồi giáo của người Sunni tại Iraq trong những ngày qua. Đối đầu giữa dòng Hồi giáo Shi’ite với Sunni vì vậy sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Song, tại LHQ, Đại sứ Saudi Arabia Abdallah al-Mouallimi khẳng định, căng thẳng sẽ không ảnh hưởng đến những nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột ở Syria và Yemen. Ông Mouallimi cho biết, phía Riyadh sẽ tham dự các cuộc đối thoại về vấn đề Syria trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đề cập vai trò của Iran trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm, ông Mouallimi nói rằng, sự đột phá trong quan hệ sẽ không ngăn Tehran “hành xử như thế”.

Hiện các quốc gia Arab Sunni cáo buộc Iran can dự vào công việc nội bộ của những nước này. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir thậm chí gay gắt cho rằng, trong lịch sử, Iran luôn can thiệp và thù địch trong các vấn đề Arab.

Liên đoàn Arab có trụ sở tại Cairo (Ai Cập) tuyên bố sẽ nhóm họp khẩn cấp theo yêu cầu của Riyadh. Khoảng 80 người Saudi Arabia, trong đó có các nhà ngoại giao và gia đình, đã rời Iran và đến Dubai. Còn phía Iran chỉ trích những động thái của Saudi Arabia là “chiến thuật” thổi bùng căng thẳng ở khu vực.

Thực tế, Saudi Arabia và Iran đang đối đầu nhau trong hàng loạt vấn đề ở Trung Đông, trong đó có các cuộc nội chiến ở Syria và Yemen. Nhà phân tích cấp cao Noah Bonsey thuộc Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) cho rằng, sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran sẽ làm triển vọng hòa bình ở Syria trở nên xa vời.

Đàm phán về Syria dự kiến diễn ra trong tháng 1 này, bất kỳ giải pháp nào được đưa ra cũng cần có sự hợp tác của Saudi Arabia và Iran. Riyadh cung cấp tiền bạc và vũ khí cho các nhóm nổi dậy ở Syria, còn Tehran ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Chưa rõ điều gì sẽ tiếp tục xảy ra - hệ lụy từ cái chết của giáo sĩ Nimr. Song, Trung Đông đang rơi vào bất ổn khi các cường quốc trong khu vực đang đổ thêm dầu vào lửa bằng những biện pháp trả đũa nhau.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.